Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình (tt) - 20.05.2015

Giáo dục: "Đã đến lúc cha mẹ lưu vong trở về"

Rôma – 20/5/2015 (ZENIT.org) Staff Reporter

"Đã đến lúc các bậc làm cha, mẹ trở về từ vùng lưu vong - bởi vì họ đã tự trốn chạy giáo dục con cái mình – và đảm nhận lại đầy đủ vai trò giáo dục của mình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong Bài giáo lý ngày thứ Tư 20/5/2015 này: "Nếu giáo dục gia đình tìm lại được sự hãnh diện của vai trò chính yếu của mình, nhiều chuyện sẽ thay đổi tốt hơn cho cha mẹ đang băn khoăn và cho con cái đang thất vọng.
Trong buổi triều kiến chung sáng thứ Tư, trên quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục chuỗi Bài giáo lý về gia đình khi suy ngẫm về sứ mạng giáo dục của gia đình: "Những nhà trí thức mệnh danh là 'phê phán' về đủ mọi thứ đã, bằng cả ngàn cách, bắt cha mẹ ngậm miệng, để gọi là bảo vệ các thế hệ trẻ khỏi những thiệt hại – có thật hay giả định - của giáo dục gia đình. Gia đình đã bị tố cáo, ngoài các tội khác, là độc tài, là thiên vị, là bảo thủ, là đàn áp theo cảm tính, gây ra những xung khắc", ngài tố cáo.
"Những người mạo xưng 'chuyên gia' này đã chiếm vị trí của cha mẹ, kể cả trên những mặt sâu kín nhất của giáo dục" như: "đời sống tình cảm, nhân phẩm và sự phát triển". Và các bậc làm cha mẹ lại "có su hướng ngày càng nhiều là ký thác con cái mình cho những 'chuyên gia' đó… và như thế, có nguy cơ là tự tách rời mình ra khỏi cuộc đời của con cái mình. Và điều này là rất trầm trọng".
Ở một thời đại mà "đời sống trở nên hà tiện thời gian để nói năng, để suy nghĩ, để đối chất" và "nhiều cha mẹ đã bị "giam hãm" trong công ăn, việc làm", Đức Giáo Hoàng đề nghị nên làm một cuộc xét mình: "chúng ta có tìm hiểu xem con cái chúng ta, đích thực đang 'ở đâu' trên hành trình của chúng? Linh hồn chúng thực sự đang ở đâu? Và nhất là: chúng ta có muốn biết chuyện đó không? Chúng ta có chắc chắn rằng trong thực tế; con cái chúng ta chỉ chờ đợi như thế sao?
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thưa quý anh chị em, hôm nay tôi muốn chào mừng anh chị em bởi vì tôi thấy có nhiều gia đình trong anh chị em… Thân chào tất cả các gia đình!
Chúng ta tiếp tục suy nghĩ về gia đình. Hôm nay, chúng ta sẽ ngừng lại để suy nghĩ về một đặc tính cốt yếu của gia đình, đó là ơn gọi tự nhiên của gia đình là giáo dục con cái để chúng lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với bản thân chúng và đối với người khác. Điều chúng ta nghe từ thánh Phaolô, lúc đầu, thật là rất đẹp: "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng" (Cl 3, 20-21). Đó là một quy luật khôn ngoan: người con được giáo dục nghe lời cha mẹ và vâng phục cha mẹ mình, và cha mẹ thì không được ra lệnh một cách khó chịu, để không làm nản lòng con cái mình. Con cái, quả là phải từng bước lớn lên mà không bị nản lòng. Nếu anh chị em là cha mẹ, anh chị em nói với con cái mình; "Chúng ta cùng leo lên bậc thang này và nếu anh chị em nắm lấy tay chúng và giúp chúng leo lên từng bước một, mọi sự sẽ ổn. Nhưng nếu anh chị em nói: "Leo lên! – Con không muốn... – Leo lên!", cái này gọi là chọc giận con cái mình, đòi hỏi con cái những chuyện mà chúng không thể làm được. Vì vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái phải là một quan hệ khôn ngoan, cân đối. Là con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình, đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Và anh chị em, là cha mẹ, đừng làm con cái của mình bực tức khi bắt chúng làm những chuyện chúng không có khả năng làm. Và chính là phải làm như thế đó, để các con cái mình được lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với bản thân của chúng và đối với người khác.

Điều này có vẻ như đương nhiên, tuy thế, kể cả ở thời đại của chúng ta hôm nay, cũng không thiếu gì những khó khăn. Thật là khó để giáo dục con cái khi cha mẹ chỉ gặp mặt con cái vào chiều tối khi đi làm về với cái thân xác đã rã rời vì mệt mỏi. Đó là đối với những người may mắn có được công ăn việc làm! Còn khó khăn hơn nữa đối với các cha mẹ sống ly thân và đối với những người ở trong tình trạng này với nhiều khó khăn nặng nề: những người đáng tội nghiệp, họ đã bị khó khăn, họ chia tay và nhiều khi con cái của họ trở thành con tin và người cha nói xấu người mẹ, người mẹ nói xấu người cha với con cái, và cuối cùng là cùng làm khổ cho nhau. Nhưng tôi nói thẳng với những cha mẹ đã chia tay: Đừng bao giờ, không bao giờ dùng con cái mình như con tin! Các anh chị chia tay với lý do có nhiều khó khăn và nguyên do, cuộc đời đã giáng xuống các anh chị sự thử thách đó, nhưng xin đừng bắt con cái của các anh chị phải mang cái gánh nặng chia tay đó, đừng sử dụng chúng như con tin để chống báng nhau, hãy để chúng lớn lên trong khi nghe má nói tốt về ba dù là không còn chung sống dưới một mài nhà, và ba nói tốt về má. Đối với các cha mẹ đã chia tay, đây thật là điều rất quan trọng và rất khó khắn; nhưng họ có thể thành công.
Nhưng nhất là vẫn câu hỏi: làm thế nào giáo dục? Ngay hôm nay, chúng ta có truyền thống nào để chuyển lại cho con cái chúng ta?
Những nhà trí thức mệnh danh là "phê phán" về đủ mọi thứ, đã bằng cả ngàn cách, bắt cha mẹ ngậm miệng, để gọi là bảo vệ các thế hệ trẻ khỏi những thiệt hại – có thật hay giả định - của giáo dục gia đình. Gia đình đã bị tố cáo, ngoài các tội khác, là độc tài, là thiên vị, là bảo thủ, là đàn áp theo cảm tính, gây ra những xung khắc.
Thực chất, sự gẫy đổ giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường đã xẩy ra; thỏa ước về giáo dục, ngày nay đã bị đổ vỡ; và như thế, giao ước giáo dục của xã hội với gia đình trải qua một cuộc khủng hoảng bởi vì lòng tin tưởng đôi bên đã bị soi mòn. Có nhiều triệu chứng. Thí dụ, ở trường học, điều này đã đánh vào quan hệ giữa cha mẹ với thầy cô giáo. Đôi khi, có những căng thẳng và một sự nghi kỵ giữa đôi bên mà hậu quả đương nhiên là giáng xuống đầu các em nhỏ. Mặt khác, có một sự nhân rộng những kẻ mạo danh là "chuyên gia" đang dành chỗ của cha mẹ, kể cả trên những mặt sâu kín nhất của giáo dục. Trên đời sống tình cảm, trên nhân phẩm và sự phát triển, trên những quyền và nghĩa vụ, các "chuyên gia" biết hết: các mục đích, các động cơ, các kỹ thuật. Và cha mẹ chỉ được lắng nghe, học hỏi và thích hợp. Bị tước đi vai trò của mình, các cha mẹ thường hay trở thành quá lo lắng và quá ôm chặt lấy con cái mình, đến độ không bao giờ sửa trị chúng: "Bạn không thể sửa trị con bạn". Họ ngày càng có xu hướng ký thác con cái mình cho các "chuyên gia", kể cả đối với những mặt tế nhị và riêng tư nhất trong cuộc đời của chúng, và tự động lùi xa ra; và như thế, cha mẹ ngày hôm nay có nguy cơ tự loại mình ra khỏi đời sống con cái mình. Và đây là điều trầm trọng! Ngày nay, có cái loại trường hợp này. Tôi không nói nó luôn xẩy ra, nhưng nó có xẩy ra. Cô giáo, ở trường, la mắng học trò và viết thông báo cho cha mẹ. Tôi còn nhớ một câu chuyện riêng: có lần, khi tôi còn học lớp 4 tiểu học, tôi đã nói lời không phải với cô giáo, một phụ nữ tốt lành, và cô đã cho gọi má tôi. Hôm sau má tôi đến trường, hai bà nói chuyện với nhau, rồi tôi được gọi lên. Và trước mặt cô giáo, má tôi đã giải thích cho tôi rằng điều tôi làm là không tốt, và không đuợc làm như thế; nhưng má tôi đã khuyên bảo tôi rất dịu dàng, và má tôi yêu cầu tôi xin lỗi cô giáo trước mặt má tôi. Tôi đã làm theo và rồi tôi rất bằng lòng bởi điều tôi đã nói: câu chuyện kết thúc tốt. Nhưng đó mới chỉ là chương thứ nhất ! Khi tôi về đến nhà, chương thứ nhì bắt đầu… Anh chị em hãy tưởng tượng, ngày nay, nếu cô giáo làm chuyện giống như vậy, thì ngày hôm sau cô sẽ phải gặp hai cha mẹ - hay một trong hai người - đến trách cứ cô, bởi vi các "chuyên gia" nói rằng không được la mắng trẻ em như thế. Mọi chuyện đã thay đổi! Vì vậy, cha mẹ không được tự loại mình ra khỏi sự giáo dục con cái mình.
Đương nhiên là cái hệ thống này không tốt: không hài hòa, không mang tính đối thoại, và thay vì giúp cho sự hợp tác giữa gia đình và các cơ quan giáo dục khác như học đường, phòng tập thể thao… nó lại đặt chúng vào thế đối chọi.
Làm sao đến nỗi vậy? Chắc chắn là các cha mẹ, hay đúng hơn, nhiều mô thức giáo dục trong quá khứ đã có những giới hạn, điều này không chối cãi được. Nhưng cũng đúng là có những sai lầm mà chỉ có cha mẹ mới được phép phạm phải, bởi vì cha mẹ có thể đền bù bằng cách mà không ai có thể làm được. Mặt khác, như chúng ta đều biết rõ, cuộc đời đã trở nên hà tiện thời gian để nói, để suy nghĩ, để đối chất. Nhiều cha mẹ đã bị "giam hãm"trong công ăn việc làm – ba và má đều phải đi làm – và trong những bận bịu khác, bối rối vì những đòi hỏi mới của con cái và trong cái phức tạp của đời sống hiện tại - vốn nó như thế, chúng ta phải chấp nhận thôi – và cảm thấy mình như bị tê liệt vì sợ sai lầm. Nhưng vấn đề không chỉ là nói. Ngoài ra, một cuộc đối thoại hời hợt bề ngoài không mang tới một sự gặp gỡ tinh thần và con tim. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tìm hiểu xem con cái chúng ta thực sự đang "ở đâu" trên hành trình của chúng? Linh hồn của chúng đích thực đang ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là: chúng ta có muốn biết không? Chúng ta có tin chắc rằng trên thực tế, chúng chỉ chờ đợi có thế thôi không?
Các cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi hãy mang đến sự giúp đỡ cho sứ mạng giáo dục của các gia đình, và các cộng đoàn làm chuyện này trước hết với ánh sáng của Lời Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở sự hỗ tương về bổn phận giữa cha mẹ và con cái: "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng" (Cl 3, 20-21). Ở nền móng của tất cả, có Đức Mến mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, Đức Mến "không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù…, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (x; 1Cr 13, 5.7). Ngay cả trong những gia đình tốt đẹp nhất, cũng phải chịu đựng nhau và cần phải có nhiều kiên nhẫn để chịu đựng nhau! Nhưng cuộc đời là như thế đó. Sự sống không được làm trong phòng thí nghiệm, nó được làm trong thực tế. Chính Chúa Giêsu đã trải qua giáo dục gia đình. Kể cả trong trường hợp đó, ơn phúc của tình yêu Đức Kitô hoàn tất điều được khắc ghi trong bản chất con người. Chúng ta đã có biết bao gương sáng tuyệt vời của các bậc cha mẹ Kitô giáo đầy sự khôn ngoan nhân bản! Các vị đã cho thấy rằng một sự giáo dục gia đình tốt là cột sống của chủ nghĩa nhân văn. Sự tỏa sáng xã hội của nó là phương sách cho phép lấp đầy các lỗ hổng, các vết thương, các khoảng trống thiếu cha hay mẹ của những trẻ em kém may mắn. Sự tỏa sáng này có thể làm ra những phép lạ đích thực. Và trong Hội Thánh, những phép lạ này diễn ra hàng ngày!
Tôi hy vọng Chúa sẽ ban cho các gia đình Kitô giáo đức tin, sự tự do và lòng can đảm cần thiết cho sứ mạng của mình. Nếu giáo dục gia đình tìm lại được sự hãnh diện của vai trò chính yếu của mình, nhiều chuyện sẽ thay đổi tốt hơn cho cha mẹ đang băn khoăn và cho con cái đang thất vọng. Đã đến lúc các bậc làm cha, mẹ trở về từ vùng lưu vong - bởi vì họ đã tự trốn chạy giáo dục con cái mình – và đảm nhận lại đầy đủ vai trò giáo dục của mình. Chúng ta hy vọng Chúa sẽ ban cho các cha mẹ ơn phúc đó là đừng có tự lưu vong khỏi việc giáo dục con cái mưnh. Và điều này, chỉ có tình yêu thương, lòng nhân hiền và sự kiên nhẫn mới có thể làm được.
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(20 mai 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét