Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Nhân bản - Dấu hiệu của người trưởng thành


 
(trích tập sách Nhân bản Kitô Giáo dẫn đến trưởng thành)

Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (1Cr 13, 11).

1/17: Hãy sống tốt đẹp trong giây phút hiện tại. Vì quá khứ chỉ còn là kinh nghiệm, tương lai ngoài vòng tay ta, chỉ có hiện tại mang theo mình một trách nhiệm.

Khi ta chọn điều tốt để làm, phải nhớ rằng có ba cấp độ tốt: Tốt thôi, tốt hơn, tốt nhất (x Rm 12, 2). Do đó trong cùng một điều kiện, một hoàn cảnh, một khả năng, phải tìm cách làm việc đạt hiệu quả tốt nhất để nên giống Cha trên trời (x Mt 5, 48).

Vậy từng giây hiện tại đẹp, làm nên phút hiện tại đẹp; từng phút hiện tại đẹp, làm nên giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại đẹp, làm nên một ngày hiện tại đẹp; từng ngày hiện tại đẹp, đan kết thành một cuộc đời đẹp.

2/17: Hãy đón nhận chân lý bất cứ từ phía nào tới. Dù đối phương là kẻ thù hay con nít, hãy học nơi họ điều tốt. Vì mọi chân lý phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, đón nhận chân lý là đón nhận Thiên Chúa; khước từ chân lý là loại trừ Thiên Chúa! (x Mt 23, 8-10; Lc 10,16). Thậm chí ta phải noi gương quỷ hai điều: Nó rất mau lẹ và rất thuộc Lời Chúa. Thực vậy, khi nó cám dỗ Adam-Eva, cũng như cám dỗ Đức Giê-su, nó dùng Lời Chúa để tấn công (x St 3,1-7 ; Mt 4,1-11).

3/17: Đừng đồng hóa điều vẫn có với điều hoàn hảo. Sự hoàn hảo chỉ có được vào ngày cánh chung. (x Mt 9, 16;1Ga 3, 2).

Thí dụ một vật cổ không hợp với nhu cầu sinh hoạt của tập thể trong hiện tại, thì phải dẹp bỏ điều vẫn có, đừng bám lấy tín điều “phi cổ bất thành kim”, mà để điều cổ ấy có phương hại, ngăn trở cho sinh hoạt tập thể. Do đó, ta nên coi chừng khi quá tôn kính những tập tục “truyền thống”. Chúa Giê-su phản đối kẻ giữ đạo trên môi mép, vì chúng cố thủ “truyền thống”, đó là cớ người ta giết Ngài! (x Mc 7, 6t)

4/17: Không nên nói: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại!” mà phải nói: “Nhiệt tình mà thiếu Thánh Thần mới là kẻ phá hoại.”

Bởi vì thế nào là ngu dốt? Thế nào là sáng suốt? Ông Phao-lô khi chưa có Thánh Thần, ông cho những người theo đạo Công giáo là ngu dốt, còn ông mới là người khôn ngoan sáng suốt và rất nhiệt tình thờ Chúa theo luật Mô-sê dạy. Do đó ông hăng hái ra tay triệt hạ những người theo đạo Công giáo ở Đa-ma! Nhưng sau khi ông được Chúa cho khỏi “mù”, vì được Chúa Thánh Thần chiếm đoạt, ông đã trở nên Tông Đồ nhiệt thành nhất của Chúa hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 9; 2Cr 11, 5).

5/17: Hãy nhiệt tình trong mọi việc làm, nhưng không bắt buộc người khác phải nhiệt tình như mình, vì như thế sẽ trở nên kiêu hãnh và là kẻ khó tính với người khác.

6/17: Không phải mọi hiệp nhất đều đưa đến sự sống. Nhưng biết nhờ Thánh Thần chia rẽ người khác mới đem lại sự sống. Cụ thể thánh Phao-lô được Thánh Thần soi sáng, ông nói về sự sống lại để chia rẽ Biệt phái và Sa-đốc, nhờ đó ông thoát chết! (x Cv 23, 6-10).

Vậy chỉ nhờ Chúa Thánh Thần hiệp nhất mọi người trong Chúa Giê-su Phục Sinh mới đem lại sự sống thật (x Ga 17,3.21). Bởi vậy, trước khi ta rước Lễ, ta nghe vị chủ tế cầu nguyện cho cộng đoàn: “Xin cho chúng con được hiệp nhất theo thánh ý Chúa”. Vì càng nhiều điều đúng mà thiếu hiệp nhất, sự ác càng gia tăng. Thí dụ: Vợ muốn bán nhà ở thành phố về quê sinh sống vì như thế thì tốt hơn trong việc giáo dục con cái; nhưng chồng thì lại chủ trương ở lại thành phố tốt hơn, vì con cái đi học tiện lợi. Nếu hai vợ chồng, ai cũng quyết định làm theo điều tốt mỗi người đã xác định, thì gia đình tan rã!

7/17: Nên bình tĩnh và sáng suốt nghe góp ý

-          Ai khen ta mà khen đúng, ấy là bạn ta.

-          Kẻ nịnh hót tâng bốc ta, nó là thù ta.

-          Người chê ta mà chê đúng, đấy là thầy ta. (x Mt 23)

Bởi vì yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa, mà phải giết con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn hoa.

8/17: Khi ta bị đàm tiếu, nếu không phương hại lớn đến người khác thì ta không nên cải chính trước công luận. Vì bất cứ điều gì ta bị đàm tiếu mà cũng vội vàng phân bua với mọi người như thế vô tình ta đã làm lan rộng chuyện người khác đã nói xấu ta mà thôi! Có khi người nghe lại nói: “Không có lửa, sao có khói!”

9/17: Nói sự thật một nửa là cách nói láo độc hại nhất! Ví dụ: “Vâng lời trọng hơn của lễ!” Không lẽ ta phải vâng lời cả điều sai trái sao?

Vì thế ta phải nói trọn sự thật rằng: “Vâng Lời Chúa (Chân Lý) thì trọng hơn của lễ.” (x 1Sm 15)

Hay không được nói: “Chúa yêu thương kẻ có tội”. Nếu thế thì ta cứ phạm tội? Do đó phải nói đầy đủ Lời Chúa: “Chúa yêu thương kẻ có tội biết sám hối xin Chúa thương xót(x Lc 5, 32).

10/17: Bạn đừng lo người khác không biết đến tài đức của bạn. Một hãy lo cho mình có tài có đức thật. Chúa phán: “Không ai thắp đèn rồi lấy thùng úp lại nhưng đặt trên giá cao để soi sáng mọi người trong nhà(x Mt 5, 15).

Người đi không cầu có bóng mà bóng vẫn theo, người hô không cần tiếng vọng, mà tiếng vẫn dội. Kinh Thánh nói: Cả đến tạo vật nó còn biết tôn vinh Thiên Chúa qua vẻ đẹp và kỳ công Chúa cho nó: “Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển(Tv19/18, 4-5).

Vậy: “Hãy để kẻ khác khen ngợi con, chớ không phải miệng con, một người xa lạ chớ không phải môi con(Cn 27, 2).

11/17: Ở đâu có tình yêu, ở đấy có quà tặng! (x Ga 3, 16). Nên đừng ai yêu bằng đầu lưỡi, nhưng bằng việc làm thực sự! (x 1 Ga 3, 18)

12/17: Muốn làm lớn phải kết hợp với Chúa Giê-su phục vụ đồng loại. Do đó Chúa dạy các môn đệ: “Chúng con muốn làm lớn, trước nhất phải uống chén của Thầy(x Mt 20, 23). Uống chén của Thầy Giê-su chính là hiệp thông Thánh Thể (x 1Cr 11, 25-26).

13/17: Chỉ dùng tiền của vào bốn mục đích:

1-      Làm phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh (x GLHT số 2041-2043). Đây là điều răn thứ 5, điều răn mới trong 5 điều răn của Hội Thánh.

2-      Nuôi sống bản thân (x St 2, 16).

3-      Tạo ra phương tiện để phục vụ (x Lc 19, 11t).

4-      Chia sẻ cho người không có khả năng tự kiếm sống: trẻ con, người già, người tàn tật… (x Mt 25, 31-46).

14/17: Muốn có đối thoại, phải dựa trên nguyên tắc:

1-      Hai bên đều có cùng một trình độ tri thức.

2-      Hai bên đều dựa trên công bằng và bác ái.

3-      Hai bên cùng chịu trách nhiệm khi đưa đến một quyết định nào.

4-      Hai bên đều đưa ra một đường lối khả thi và thực tiễn.

15/17: Chỉ nói đúng thôi, thì chưa đạt, mà phải nói khéo nữa. Thánh Phao-ô dạy: “Lời nói hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người.” (Cl 4, 6) Vì đúng mà thiếu khéo là đổ vỡ, muốn khéo ta hãy cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

16/17: Không thể nói: “Đạo nào cũng dạy điều tốt”. Vì thế nào là tốt? Thế nào là xấu? Khi A-dam, E-và lấy ý mình hơn ý Chúa, họ cho là tốt! Thế là sự dữ bắt đầu xuất hiện trên thế gian! (x St 3).

Vậy chỉ khi nào ta thực hành ý Chúa, thì đó mới là tốt. Bất cứ điều gì nghịch ý Chúa, dù cha mẹ cho đó là tốt, Chúa vẫn không cho phép ta tuân theo (x Mt 10, 37; 23, 1-12).

17/17: “Tự do tôn giáo” có giá trị gì không? Điều này chỉ có giá trị cứu độ khi người ta được tự do tin theo Chúa trong Hội Thánh Ngài lập mà thôi. Vì “dưới gầm trời này, ngoài danh Chúa Ki-tô, không có danh nào khác được ban tặng cho loài người hòng được ơn cứu độ!” (Cv 4, 10-12).

18/17: Tránh kiểu nói: “Không làm thì cũng đừng ăn!”. Nếu thế thì đối với người già yếu, con nít không làm thì cũng không được ăn sao?!

Vậy hãy nói như thánh Phaolô dạy:“Ai không muốn làm thì cũng đừng ăn!” (1Tx 3, 10).

Giá trị của con người lao động hệ tại ở chỗ “muốn làm”. Có muốn làm, công việc mới hoàn hảo, mới là yêu thương. Người muốn làm mà không làm được là người đáng thương, và ta phải kính trọng họ.

19/17: Không được nói: “Lao động là vinh quang!”. Nếu thế thì kiếp trâu, ngựa nó vinh quang hơn loài người!

Vậy phải nói: “Lao động đưa con người đến vinh quang”,vì lao động là phương thế cho con người đạt đến hạnh phúc!

Nếu ta lấy phương tiện làm mục đích thì vô cùng độc ác. Ví dụ: Tiền là phương tiện rất cần cho nhu cầu sự sống của ta, nhưng nếu lấy tiền làm mục đích trên đời, thì người ta giết nhau như ngóe!

20/17: Đường thành công hơn lòng mong ước, hãy nhớ sống 7 điều sau đây:

1-      Chọn ít điều và hợp thời cơ: Hãy chọn ít điều nhất theo khả năng, và đầu tư hết khả năng vào điều đó! Đồng thời, chộp ngay lấy thời cơ. Ông Héraclitus nói: “Không ai có thể tắm hai lần trong một khúc nước sông đang chảy!” Thánh Phao-lô dạy: “Ai lừng khừng sẽ làm mất ơn Chúa, trở nên kẻ cay đắng, gây xáo trộn và làm hư hỏng nhiều người(Dt 12, 15).

2-      Định hướng cho cuộc đời: “Hãy quên phía sau mà lao mình tới trước, nhắm đích chạy đến giải Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Giê-su Ki-tô(Pl 3, 14). Nếu không như thế thì “anh chạy khỏe lắm, nhưng lại trật đường mất rồi!” (thánh Augustin).

Nhiều người bỏ cuộc không phải vì thiếu tài năng, nhưng làm việc thiếu mục đích và thiếu ý chí. Hãy nhớ: “Thành công do quả quyết, thất bại bởi do dự”.

3-      Nhớ bốn chữ “H”:

          Muốn làm gì phải HỌC trước.

          Học muốn thấu đáo phải HỎI.

          Hỏi đến HIỂU cho rõ.

          Hiểu rồi đem thực HÀNH.

Nói tắt: HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH.

 Muốn thành công trên thương trường, cần 4 chữ “P”:

-          Product: Sản phẩm.

-          Price: Giá cả.

-          Promotion: Quảng cáo.

-          Place: Thị trường.

Nghĩa là muốn có nhiều tiền phải biết làm ra sản phẩm (product), giá cả (price) phải hợp túi tiền nhiều người, biết quảng cáo (promotion) để nhiều người ham thích, tìm được thị trường (place) tiêu thụ tốt.

Muốn thành công nên thánh, cần 4 chữ “L”:

-                   : Làm vì Chân Lý.

-          LẸ         : Mau Lẹ chộp ngay thời cơ.

-          LIỀU     : Liều cả mạng sống.

-          LỲ         : Gan Lỳ, can đảm, kiên nhẫn.

Sở dĩ ta cần có 4 chữ “L”, vì ta dựa vào hành động đức tin của bốn người khiêng người bất toại: Họ cần gặp Ðức Giê-su là gặp được Chân Lý; họ muốn khiêng người bất toại vào nhà cho Ðức Giê-su, nhưng không thể được, vì trong nhà chật ních người, thế là họ mau Lẹ leo ngay lên mái nhà, dù không phải là nhà của họ, mà họ dám Liều đục mái thượng để thả người bất toại xuống cho Đức Giê-su; khi đục một lỗ to trên sân thượng, chắc chắn bị nhiều người phản đối, thế nên họ phải gan Lỳ, kiên nhẫn, can đảm, mới thả người bất toại xuống cho Đức Giê-su để được chữa lành (x Mc 2, 1-12).

4-      Kiên nhẫn để khắc phục gian khổ, ông Nguyễn Bá Học nói: “Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông!”

5-      Làm việc phải say mê. Triết gia Kierkegaard nói: “Mọi vấn đề ăn thua với cuộc sống hệ tại ở chỗ đam mê, suy nghĩ về vấn đề gì mà không đam mê, thì không suy nghĩ gì cả”. Làm việc gì mà không đam mê, thì chỉ làm như con dã tràng se cát.

6-      Làm việc vì yêu Chúa. Ta phải kết hợp với Đức Ki-tô, để việc ta làm trở thành việc của Thiên Chúa có giá trị vĩnh cửu, cứu độ ta (x Cv 5, 39); trái lại, làm điều tốt mà không nhờ Giê-su, với Giê-su, trong Giê-su (x Rm 11, 36), thì đó là nhân bản, là việc của loài người, trước sau sẽ tan biến (x Cv 5, 38).

7-      Làm việc phải bền chí. Chúa Giê-su dạy: “Ai bền đỗ đến cùng, người đó mới được cứu độ” (Mt 24,13). Ca dao tục ngữ Việt Nam dạy:

-          Có chí thì nên.

-          Có công mài sắt có ngày nên kim.

-          Nước chảy đá mòn.

21/17: Đừng để thời giờ qua đi mà không sinh ích. Hãy sống hữu ích ngay trong thời gian mình có, tùy hoàn cảnh đang sống, ta hãy biết chọn việc: không chỉ tốt thôi, mà phải tốt hơn, đặc biệt là tốt nhất! (x Rm 12, 2)

22/17: Ý THỨC VỀ GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG.

Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 35 dạy: “Hoạt động của con người phát xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình (*). Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng gía hơn mọi của cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI MÌNH CÓ”.

Vậy làm việc không nhất thiết phải đạt thành công, nhưng đã trở nên nghĩa người hơn. Chính Đức Giê-su suốt đời làm việc không ngơi nghỉ giống Cha trên trời (x Ga 5, 17), thế mà cuối đời xem ra thất bại, bị mọi người khai trừ! Nhưng chính lúc ấy, Tổng trấn ngồi xử án, lại chỉ riêng vào Đức Giê-su đang đứng trước một rừng người, và ông lớn tiếng tuyên bố: “Này là Người(x Ga 19, 5).

Kinh thánh kết án kẻ lười: “Kẻ lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là tay phủi liền( Hc 22,2).

Ai không chu toàn bổn phận mình, nó là anh em với quân phá hoại (x Cn 18,9).

(*) Khi làm việc con người được THOÁT RA: tức là thoát ra khỏi kiếp loài vật, vì con vật ăn sẵn những gì Thiên Chúa hoặc con người tạo nên cho nó: như con sâu ăn lá cây, con gà ăn giun, con heo ăn cám… Trái lại, con người dùng thực phẩm do tay mình làm ra.

Khi làm việc con người VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH, tức là nhờ làm việc, con người có thêm của cải để chia sẻ. Chính nhờ biết chia đi, mà con người được biểu lộ giống Chúa, vì Thiên Chúa làm mọi sự chỉ để ban tặng cho loài người.

23/17: CÓ 9 CÁCH THU PHỤC NGƯỜI KHÁC

1- Phải kết hợp với Chúa Giêsu. Ông Berson nói: “Các thánh nhân thu phục được nhiều người không phải vì họ nói hay, nhưng vì chính sự hiện diện của họ toát ra sự thánh thiện”.

Thánh Phao-lô nói: “Anh em là hương thơm của Đức Ki-tô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ, cũng như những kẻ bị hư mất!” (2Cr 2, 15)

2- Làm vì yêu.Thánh Gioan Maria Vianey nói: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!”

3- Sống quảng đại phải tỏ ra biết ơn người giúp mình, như lời ông Tôbia dạy con: “Con hãy trả lương cân xứng cho người đã giúp con, và thêm chút gì vào tiền công của họ(Tb 12, 1).

4- Phục vụ người ta trước. Chúa Giêsu dạy: “Muốn người ta làm điều gì cho mình, thì chính mình hãy làm điều đó cho người ta trước!” (Mt 7, 12)

Vậy đừng bất mãn khi người ta không giúp mình, mà hãy buồn vì mình chưa giúp ai được việc gì.

5- Đưa lưng đỡ đạn. Thà chỉ mình chịu khổ cho mọi người hạnh phúc, còn hơn là để mọi người phải khổ! (x Ga 11, 50) Vua thánh Đa-vít nói: “Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu!(Tv 69/68, 10b)

6- Đoán ý muốn của người khác để phục vụ theo gương Mẹ Ma-ri-a (x Lc 1, 39t; Ga 2, 3).

7-  Hãy khó với mình, nhưng quảng đại với Chúa và tha nhân (x 2Cr 6, 12-13).

8-  Coi người khác hơn mình. Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại (x Ga 3, 30).

Thánh Phaolô dạy: “Mỗi người đừng chỉ dán mắt vào quyền lợi riêng mình, nhưng còn vì quyền lợi của người khác nữa(Pl 2, 4)

9-   Phải sống như mọi người chung quanh ta, ngoại trừ tội lỗi! (Dt.4,15)

24/17: SỐNG PHẢI CÓ LẬP TRƯỜNG, CÓ LÝ TƯỞNG ĐỂ LÃNH ĐẠO.

      a- Có khi phải chấp nhận mất lòng người khác. Thánh Phaolô nói: “Nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, thì tôi không còn là nô lệ của Đức Ki-tô”(Gal 1,10). Người đời là người không muốn nghe Lời Chúa (x Cv 17, 32).

      b- Không được nghe tin đồn nhảm! (x Xh 23, 1).

c- Không được hùa theo số đông mà làm điều sai trái!
(x Xh 23, 2)

d- Không được nhận quà hối lộ, vì quà làm mù những người sáng mắt, và đảo điên lời lẽ những người công chính! (x Xh 23, 8)

25/17: MỪNG SINH NHẬT nào?

Thường thường người đời có thói quen tổ chức mừng sinh nhật (ngày được cha mẹ sinh ra) thật lớn. Nhưng theo đức tin Công Giáo, thì ngày đó có gì đáng mừng?

Bởi vì:

-          Đó chỉ là sinh ra bởi nòi giống A-đam, E-và tội lỗi.

-          Trước khi ra đời, trong lòng mẹ, tôi đã là kẻ bất lương, như lời Thánh vịnh (51/50, 7) nói: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”. (x St 25, 19-27; 38, 27-30)

Vậy hãy tổ chức mừng sinh nhật vào ngày được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì ngày đó ta được:

-          Sinh ra theo dòng giống Ađam cuối cùng là Chúa Giêsu.

-          Được Chúa tha hết tội và được sống bằng sự sống của Chúa.

26/17: Phải luôn luôn sống thành thật như Đức Giê-su dạy: “Có nói có, không nói không,thêmđiều đặt chuyện là do ma quỷ mà ra! ” (x Mt 5, 37)

27/17: Làm chủ miệng lưỡi là sống bác ái. Bởi vì:

a)      Thiên Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói mà nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Ngài đánh thức tôi, Ngài thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Ngài giáo huấn (Is 50, 4).

b)      Mọi kiểu cay chua, gắt gỏng, la lối, chửi rủa, nhất nhất phải đánh bạt nơi anh em với mọi ý thâm độc. Trái lại, với nhau anh em hãy ở nhân hậu, chạnh thương, biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô! (Ep 4, 31-32)

c)      Cái lưỡi trong thân mình giống như bánh lái trong chiếc tầu, tuy bánh lái nhỏ bé, nhưng nó dẫn chiếc tầu đi đâu tùy ý người hoa tiêu. Muôn thú vật lành dữ người ta chế ngự được, trừ miệng lưỡi người ta không chế ngự được. Vậy miệng lưỡi ta không thể vừa để chúc tụng Chúa, vừa để nguyền rủa con người Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Ngài! (x Gc 3, 4-11)

d)     Lười sinh láo!Chúa phán: “Ta xử với ngươi theo miệng ngươi nói”(x Lc 19, 20-22).

28/17: Đừng tự phụ, tự mãn.

b-      Vì “ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã!”(1Cr 10, 12)

c-      Hãy run sợ mà gia công lo việc cứu rỗi chính mình!” (Pl 2, 12)

29/17: Sống khiêm nhường.

a-      Khiêm nhường là người hạ mình sát đất, nên không còn khoảng cách nào mà phải sợ ngã.

b-     Khiêm nhường là tự thú nhận sự yếu hèn của mình như thánh Phaolô: “Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi, sự lành tôi muốn, tôi lại không làm, còn sự dữ tôi ghét, tôi lại cứ làm!(Rm 7, 18-19)

c-      Khiêm nhường là nói lên sự lành được Chúa ban cho để phục vụ:

+ Mẹ Ma-ri-a nói: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả!” (Lc 1,48-49)

Bởi đó nếu ta không nói sự thật về mình đúng như điều Thiên Chúa ban cho, thì ta là kẻ nói dối, kẻ vô ơn Chúa! nếu ta nói quá sự thật mình có, ta là kẻ xạo, kiêu ngạo! Thánh Phaolô dạy:Ai muốn vênh vang thì hãy vênh vang trong Chúa(2 Cr 10,17).

+ Cụ thể: “Thiết tưởng tôi chẳng thua gì những “Tông Đồ thượng đẳng” kia, tuy rằng tôi chỉ là không(2Cr 11,5; 12,11).

30/17: Khi tiếp nối sứ mệnh của người khác, để thành công, ta phải:

1-      Tỏ ra biết ơn người tiền nhiệm, chớ khi nào làm mất uy tín người đi trước.

2-      Khiêm tốn lắng nghe mọi người, biết lựa chọn điều tốt người ta đề nghị, biết loại trừ điều xấu trong quá khứ còn tồn tại, nhưng phải cách khôn khéo và tế nhị.

3-      Muốn thay đổi để thăng tiến, phải họp những người có trách nhiệm và đưa ra những điểm mới tích cực, có tính cách thuyết phục mọi người.

4-      Khi ta đã quyết định làm điều gì, phải tự tin nếu không có người cộng tác, chỉ mình ta độc diễn, vẫn thành công.

5-      Khi ta làm việc gì, phải nhắm làm cho hoàn tất, đừng để việc ấy trở nên gánh nặng cho người sau.

31/17: Muốn sửa tật xấu người khác, trước đó ta nên khen những điểm tích cực của họ.

32/17: Đừng sợ cách chết dữ, hãy sợ cách sống dữ. Bởi vì nếu sống dữ, ắt chết dữ, dù cách chết lành; nếu sống lành, ắt chết lành, dù cách chết dữ! (Thánh Augustin).

33/17: Đến ở nhà ai, phải cảm thấy người ta cần mình, mà mình cũng phải cần người ta, đừng để người ta miễn cưỡng đón tiếp mình, là con người thiếu tự trọng.

34/17: Muốn tiến thân, đừng để mình thua kém người xung quanh, khi ta có cùng một điều kiện như họ. Thánh Phanxico nói: “Ông kia bà nọ nên thánh được, sao tôi lại không?”

35/17: Luôn sống trong hy vọng, là nghị lực giúp ta tiến thân. Thánh Phaolô nói: “Ơn cứu độ đến với ta như một hy vọng, hy vọng mà thấy được, ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta cứ kiên nhẫn đợi trông” (Rm 8, 24-25).

36/17: Phải có lòng tự trọng. Cụ thể:

-          Không sống lệ thuộc vào người khác. Do đó, hãy bằng lòng với những gì đang có, không đòi hỏi người xung quanh. Tốt hơn nữa, là tìm cách giúp người chung quanh (x Lc 3, 10-14).

-          Mau mắn xin lỗi nếu lỡ làm phiền ai (x Mt 26, 75).

-          Biết nhường bước cho người khác. Thánh Phao-lô dạy: “Ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều tốt có người làm là tôi lấy làm vui mừng(x Pl 1, 15-18)

-          Sống môi trường nào cũng phải là men, là muối, là ánh sáng cho nơi đó (x Mt 5, 13-16).

-          Sống thể hiện đúng cương vị của mình: Bố ra bố, mẹ ra mẹ, thầy khác trò, Linh mục khác giáo dân (x Mt 16, 13).

37/17: Đừng dùng của cải một cách vô ý thức. Cụ thể: Những vật dụng của ta đừng qúa sang trọng làm cho người nghèo xung quanh cảm thấy tủi thân. Bởi vì phần lớn nỗi đau khổ của người nghèo gia tăng là họ thấy người giàu dùng tiền của phung phí, vô ý thức (x Lc 16, 19-21).

 

Nói tắt:

        Tất cả những gì ta có chỉ là phương tiện cho ta phục vụ đạt hiệu quả cao, chớ khi nào tỏ ra vẻ sang giàu để khoe khoang với người xung quanh    .

38/17: Bỏ thói thống trị kẻ dưới, loại trừ hành động vũ phu, đừng sống kiểu “cả vú lấp miệng em”.

Thống trị là áp đặt người khác làm nô lệ cho mình. Kiếp nô lệ là kẻ thù của Tin Mừng, Hội Thánh trong nhiều thế kỷ đầu dùng chân lý Tin Mừng để xóa kiếp nô lệ. Bởi vì nô lệ là con đẻ của “ba cô vợ ngoại hôn” trong nhân loại:

-          Nô lệ là đem thân phục vụ chủ để trả món nợ không thể trả nổi.

-          Nô lệ là kẻ thất trận bị bắt làm tù binh.

-          Nô lệ là con cái của hai loại người trên.

Chúa Giê-su nói: “Anh em là con Thiên Chúa, con cái của sự tự do, không phải là con kẻ nô lệ” (x Ga 8, 34-36).

Có 2 thầy trò cùng sánh bước trên một con đường dài, song song với đường đó là một con sông: chốc chốc thầy lôi trò xuống sông dìm đến sặc nước, rồi lại tiếp tục lên đường. Sau một hồi, thầy hỏi trò: con đã nhận ra được bài học thầy dạy con chưa? Trò giơ chân đạp thầy qụy xuống và nói: đây là bài học con đã thuộc! Đúng là “tức nước vỡ bờ!”

Thánh Phaolô khuyên người có chức quyền biết cách cư xử với mọi người: “Ðừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha. Hãy coi các thanh niên như anh em. Các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”(1Tm 5,1-2)

39/17: Loài người không ai được quyền độc tài, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền đó mà thôi, bởi chỉ có Ngài là Tình Yêu (x 1Ga 4, 8). Chúa độc tài vì muốn ta phải tùng phục Ngài, để có chân lý, để có tình yêu, vì ngoài Chúa Giê-su không có ai được cứu độ (x Cv 4, 12).

Bởi đó, Chúa không cho phép ta thờ phượng bất cứ một thần tượng nào ngoài Ngài (x Điều răn I). Ngài có quyền ép người ta vào dự tiệc của Ngài (x Lc 14, 23).

Vậy Thiên Chúa độc tài để dẫn ta đến sự sống dồi dào (x Ga 10, 10).

40/17: Bỏ tính lẩm cẩm. Vì lẩm cẩm là người không biết phân biệt điều chính điều phụ, và làm gì cũng cho là quan trọng nhất. Kết quả không công việc nào đạt yêu cầu, bởi vì không ai đủ giờ để làm trọn mọi công việc. Do đó, người lẩm cẩm làm gì cũng chậm chạp, vì để giờ chi phối vào quá nhiều việc không cần thiết.

41/17: Đừng a dua. Là người sống đức tin và đức ái, không thể chấp nhận những thành ngữ dân gian thường nói:

-          “Không có lửa sao có khói?”

-          “Thế gian không ít thì nhiều, không ai đặt điều nói không”.

Bởi vì trong thực tế:

-          Nhiều khi có khói mà không có lửa. Cụ thể lúc ta xem ca sĩ đứng trên sân khấu hát, ta nhìn một làn khói bốc lên, hoặc khi ta nhìn cô dâu chú rể khai tiệc cưới, họ đổ rượu trên một chồng ly cũng thấy khói bốc lên, những làn khói ta thấy như thế thì không phải do lửa mà có.

-          Nhiều khi một rừng người nhất trí, mà nhất trí điều họ không tưởng. Cụ thể vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, không ai tìm ra tội trạng nào của Đức Giêsu, nhưng ai cũng nói: Tên Giêsu là Beelzebul, tướng quỷ. Rõ ràng chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cả loài người sai lầm, một mình Đức Giêsu nắm trọn chân lý. Bởi đó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ một mình Đức Giêsu hô lớn tiếng: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Cũng chính vì vậy mà Đức Giêsu cảnh báo mọi người: “Coi chừng điều các ngươi nghe(Lc 8,18).

42/17: Đòi biết mọi sự là ngu xuẩn nhất. Chúa cho A-đam, E-và biết hết mọi trái cây trong vườn Ngài đã dựng nên, nhưng họ lại ảo tưởng đòi phải biết cả cây Chúa cấm mới khôn bằng Thiên Chúa! Kết quả họ là kẻ ngu xuẩn nhất (x St 3).

Bởi vậy thánh Phao-lô nhắc nhở ta: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích, tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng, đừng để sự gì vô ích lạm phép trên thân thể tôi!” (1Cr 6, 12)

Có ba loại người ngu đần:

-          Ngu vì không biết gì cả.

-          Ngu vì không biết đến nơi đến chốn.

-          Ngu nhất là: biết quá điều phải biết. Như Adam, Eva đòi biết cả trái cây Chúa cấm (x St 3).

43/17: Để thắng tính ghét người. Ta phải nhớ rằng: “Người yếu mới lo diệt kẻ thù, còn đấng trượng phu thì thanh thản tâm hồn, chẳng có gì phải sợ(x Kn 12, 14-18).

Khoa phân tâm học cho biết: Ghét tức là do sợ mà ra, vì thế ghét ai là sợ người đó: sợ người ta đoạt của cải mình, sợ người ta đoạt danh vọng mình, sợ người ta đoạt quyền lợi mình, sợ người ta đoạt người tình của mình. Chính vì vậy mà có bà đi đánh ghen, bởi vì bà sợ có kẻ giật chồng bà, hoặc bọn mafia thủ tiêu người như ngóe, vì sợ đối phương đưa nó ra ánh sáng.

Vậy muốn tránh ghét người thì đừng sợ ai cả, mà muốn không sợ ai thì cứ đường đường chính chính sống giữa thanh thiên bạch nhật, biết trên có ai, dưới có ai, bốn phương tám hướng có ai, và cố thực hiện trong đời sống của mình câu: “Thiên địa nhân hòa”. Tức là sống hòa hợp với ý Trời, hợp với lòng người để xác tín được như thánh Tông Đồ: “Mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8, 28).

Bởi vì ta gieo gì thì gặt nấy: ai ghét ta mà xô ta xuống thung lũng, ta vẫn nói: “tôi yêu”, chắc chắn ta nghe vọng lại: yêu… yêu..yêu....! Trái lại, ta tức giận ai mà hét lên: “tôi ghét”, chắc chắn tiếng ghét.. ghét..ghét....vọng lại!

Thánh Tôma Tiến sĩ nói: “Thà nghĩ tốt cho một người xấu, vẫn hơn nghĩ xấu cho một người tốt, vì cách thứ nhất không hại ai”. Vậy:

-          Lấy ác báo lành                      : ta là satan.

-          Lấy ác báo ác    : ta là chó sói.

-          Lấy lành báo lành                  :ta là con người.

-          Lấy lành báo ác                      : ta là con Chúa.

Sống được như thế thì hết sợ ai, khi không sợ ai, không phải lo đề phòng gì cả, thì ghét ai làm gì cho mệt tâm mệt trí, vì người có công lý luôn luôn là người mạnh. Kinh Thánh nói : “Chúa làm chủ sức mạnh, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn. Làm như thế Chúa dạy dân rằng : Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12,18-19)

44/17: Hãy nói điều tích cực hơn là điều tiêu cực. Tâm lý con người ai cũng chỉ để ý đến điều tiêu cực, mà ít ai quan tâm đến điều tích cực. Cụ thể ta vảy một đốm mực đen bằng đầu đũa trên một tấm vải trắng lớn, rồi ta giơ tấm vải trắng trước mặt mọi người và hỏi: “Cái gì đây?” Chắc chắn mọi người đáp mau lẹ: “Vết mực đen”, trong khi ai cũng nhìn thấy cả tấm vải trắng lớn, thì lại không nói!

Người Trung Hoa có câu: “Trong khu rừng rộng lớn, một cây cổ thụ đổ xuống, thì làm chấn động cả vùng trời; trong khi đó cả tỷ mầm sống đang vươn lên thì vẫn im lìm!” Thánh Phao-lô động viên chúng ta: “Anh em hãy nghĩ đến nhau mà lo đôn đốc lòng mến và làm những việc tốt lành(Dt 10, 24).

45/17: Đừng trang điểm quá đáng. Sách G.Viên dạy: “Tiếng thơm hơn là dầu thơm, thì ngày chết hơn là ngày sinh(Gv 7, 1).

Người đời thường nói: Dáng người hơn nhau bởi y phục, bởi son phấn, nhưng bóc trần ra thì ai cũng như ai! Người Công giáo phải xác tín rằng: Ta là con Đức Chúa Trời không ai cao cả bằng (x Mt 11, 11b). Nên ta hãy sống lời vị chủ chăn tiên khởi dạy: “Đồ trang sức của chị em đừng là vỏ bề ngoài, như kết tóc, đeo vòng quý, ăn mặc xa hoa, có khi diêm dúa lố lăng gợi dục! Nhưng một con người trầm ẩn nơi tấm lòng,đồ trang sức bất hoại là tinh thần hiền từ và an tĩnh(1 Pr 3, 3-4).

46/17: Đừng ăn nói cợt nhả, một lời hai ý.

-          Có khi lộ ý móc mỉa người khác.

-          Có khi làm cho người ta hiểu nghĩa tục.

Thánh Phaolô dạy: “Lời lẽ của anh em hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người” (Cl 4, 6). Bởi thế: “Con không ngồi chung với phường giễu cợt” (Ger 15,17a)

47/17: Đừng tự tôn quá cao vọng về mình. Đến như thánh Tông Đồ còn phải nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Chỉ khi nào ta sống được như Chúa Kitô (1Cr 11, 1). Ta mới có quyền tự hào trong Chúa (1Cr.1, 31). Ta phải sống Lời Chúa mới có quyền nói được như thánh Phaolô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với Đức Ki-tô(1 Cr 11, 1).

Và thánh Phaolô lại dạy: “Ai có tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1, 31).

48/17: Phải kiên nhẫn và chịu đựng sống trong một cộng đoàn tương đối êm đẹp.

Sống trên đời không ai có thể tìm được một cộng đoàn lý tưởng để dung thân. Đến như Giáo Hội tuy được gọi là thánh mà Đức Giê-su còn ví như một thuở ruộng có lúa và cỏ mọc chung, đầy tớ tình nguyện đi nhổ cỏ, nhưng chủ bảo cứ để như thế đến mùa gặt hãy tính (x Mt 13, 24-30). Mà nếu mảnh đất nào cỏ không mọc được, thì chẳng ai có thể trồng trọt gì. Nói cách khác, đất mà có cỏ mọc um tùm thì đó lại là đất tốt!

Gia đình Nazareth tuy là một gia đình thánh mà có lúc phải chịu đựng nhau. Cụ thể, Đức Giê-su đến tuổi 12 đã khôn lớn, mà Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền thờ dạy giáo lý, làm cha mẹ rất đỗi ưu phiền suốt ba ngày đi tìm con (x Lc 2, 41t).

Đức Giê-su phải thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha, xin Cha giúp Ngài chọn 12 môn đệ, thế mà Ngài chọn phải tên Giuđa phản bội (Lc 6,12-13).

Nhóm 12 hay bất hòa vì tranh nhau địa vị nhất nhì (x Mc 9,33-37). Nếu họ không chịu đựng tha thứ cho nhau, cộng đoàn đó đã tan rã và Đức Giê-su không có người cộng tác.

Bởi vậy thánh Phao-lô nói:

-          Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr 11, 19).

-          Yêu thương nhau thì hãy vác lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6, 2).

49/17: Khi thấy một cộng đoàn có bất hoà,

thái độ ta phải thế nào?

1.      Ðừng vội kết án phía nào, Kinh thánh nói: “Luật không cho phép ta kết án người nào trước khi nghe người ấy, và biết người ấy làm gì(Ga 7,51)

2.      Ðừng nói: Tôi chẳng thuộc phe nào! Mà phải tìm hiểu nguyên nhân nào đưa tới sự bất hoà. Khi biết ai đấu tranh vì chân lý, ta phải đứng về phía họ để bênh vực, đừng sợ mang tiếng chống đối. Bởi vì Chúa Giê-su đã xác quyết: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi(Ga 8,32). Kìa sứ mệnh “Đức Giêsu làm cho nhiều người chỗi dậy, nhiều kẻ bổ nhào(Lc 2, 34). Chỉ vì Ngài đấu tranh cho sự thật lên ngôi.

3.      Bởi đó, ai theo Chúa Giêsu phải biết gây chia rẽ vì bảo vệ chân lý. Thánh Tông đồ dạy: “Nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Đức Kitô(Gl 1,10) vì sự khôn khéo của đời là điều điên dại đối với Chúa (1Cr 3,18-20)

50/17: Đừng có nhờn mặt. Khi người dưới thấy người trên dễ dãi, bình dân, có lối sống thân tình với mọi người kể cả người dưới, thì người dưới đừng vì thế mà nhờn mặt, đến nỗi không coi trọng lời dạy bảo của người trên!

Thánh Phêrô dạy: “Những kẻ hậu sinh (người dưới), hãy biết suy phục hàng niên trưởng (người lãnh đạo). Còn đối xử với nhau hết thảy (người trên cũng như kẻ dưới) hãy mặc lấy đức khiêm nhường(1Pr 5, 5).

“Ðừng gần chùa gọi bụt bằng anh!” (Tục ngữ)

51/17: Muốn thắng khó khăn trong môi trường sống, hãy tập chiến thắng bản thân mỗi ngày vì Chúa, từ những việc nhỏ bé. Cụ thể:

-          Ăn một miếng cơm lạt.

-          Không ăn thêm vì thấy ngon miệng, nếu đã ăn no.

-          Bỏ làm một việc không cần thiết.

-          Nhịn nói một thời gian, nhất là đang lúc giận dữ.

-          Luật Giáo Hội nhắc ngày thứ sáu ăn chay. Dù Luật địa phương không buộc, nhưng ta tự tìm việc hãm mình nho nhỏ để hướng lòng mình chiêm ngưỡng Đức Giê-su đã từ bỏ mạng sống. Vì thế Đức Giê-su đã dạy: “Ai trung thành trong điều nhỏ, thì cũng trung thành trong điều lớn; ai bất lương trong điều nhỏ, cũng bất lương trong điều lớn” (Lc 16, 10).

52/17: Đừng bao giờ nói móc nói mỉa, nói cạnh nói khóe! Khi ta không vừa ý ai điều gì, hãy cầu nguyện cho họ, nếu điều xấu nơi họ không phương hại đến người khác bao nhiêu, ta nên nhịn và quảng đại bỏ qua, chấp nhận điều tương đối trong cộng đoàn. Nếu điều đó phương hại nhiều đến người khác, ta phải chân thành và nhẹ nhàng góp ý trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Đó mới là người cao thượng, kẻ tiểu nhân “đâm sau lưng chiến sĩ” bằng những lời nói móc mỉa là kẻ hèn. Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Tâm địa gian manh, con hằng xa lánh, chẳng muốn biết gì đến chuyện xấu xa, ai nói trùng nói lén, là con sẽ diệt trừ, con mắt khinh người, lòng dạ kiêu căng: những bọn đó, không khi nào con chịu” (Tv.101/100, 4-5)

53/17: Diệt tính lề mề.

Người lề mề là người làm việc tới đâu hay tới đó, thích thì làm, chán là bỏ, bởi vì không đặt ra chỉ tiêu khi nào phải xong việc.

Vậy đã làm việc gì phải có quyết tâm làm cho xong và định thời hạn tối đa là bao lâu để hoàn tất công việc đó. Hãy nhớ Lời Thánh Kinh dạy:

-          Bất cứ làm việc gì hãy tận tâm như thể làm cho Chúa chứ không phải cho người đời (Cl 3, 23).

-          Ai lừng khừng sẽ làm mất ơn Chúa, trở nên kẻ cay đắng, gây xáo trộn và làm hư hỏng nhiều người (Dt 12, 15).

-          Chúa phán: “Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn. Ngươi chẳng nóng chẳng lạnh, ngươi hâm hẩm như thế, Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 15-16).

 

54/17: Có được phép nói điều sai trái của Bề trên đã lộ liễu trước mặt người khác không?

Chúa nói: “Ta đã đặt ngươi làm lính canh dân Ta, nếu nó làm điều sai lỗi, ngươi phải sửa dạy nó. Nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được nó, nếu nó không nghe, thì ngươi trắng án. Trái lại, nếu ngươi để nó sống trong tội lỗi, nó sẽ chết vì tội nó phạm, còn ngươi, Ta sẽ đòi nợ máu nó nơi ngươi(Ed 33, 7-9).

Thánh Phao-lô trổi vượt hơn thủ lãnh Phê-rô về văn hóa cũng như về Luật Mô-sê, vậy mà ông rất khiêm tốn tỏ ý vâng phục ông Phê-rô được Chúa đặt làm người lãnh đạo. Cụ thể, sau khi ông trở lại, ông đã được chính Chúa Giê-su dạy ba năm ở Ả-rập, vậy mà sau đó ông nói: “Tôi phải lên Giê-ru-sa-lem gặp ông Phê-rô để xin ý kiến, nếu không công việc phục vụ của tôi trở thành vô ích”.

Nhưng có lần ông Phao-lô thấy thủ lãnh Phê-rô có lối sống giả hình, liền lên tiếng trách: “Nếu ông, một người Do-thái, ông còn sống như người ngoại, chứ không như Do-thái, làm sao ông lại thúc bách người ngoại sống như Do-Thái”.

Điều này ông không chỉ nói với thủ lãnh Phê-rô mà còn đem chuyện này nói với giáo đoàn Galat qua thư ông gởi với hậu ý: đừng bắt chước lối sống giả hình của thủ lãnh Phê-rô. Bởi vì chính ông Phê-rô đã quyết định trong Công Đồng Giê-ru-sa-lem bỏ việc cắt bì cho dân ngoại, chỉ cần họ tin vào Chúa Giê-su là ban Thánh Tẩy cho họ, và không được phân biệt họ là dân ngoại với Do-thái. Thế mà lúc ông Phêrô đang dùng bữa với dân ngoại mới trở lại, thấy ông Phaolô đến, ông Phêrô vội lỉnh ra ngoài, như chứng minh ông không thông đồng với người ngoại chưa cắt bì (x Gl 2, 11-14). Thánh Tông Đồ dạy: “Những ai phạm tội, anh hãy khiển trách trước mặt mọi người, để những kẻ khác phải sợ!” (1Tm 5,20).

Trong một xã hội tri thức phát triển, cụ thể như nước Mỹ, vị Tổng thống họ được tự bầu chọn lên, mà nếu người dân thấy vị Tổng thống đó có lối sống không đúng đắn, hoặc quyết định điều gì có phương hại đến dân tộc, thì họ không tha, họ dùng tất cả các phương tiện truyền thông phản đối điều sai trái thủ lãnh của họ. Đó là cách người dưới đòi buộc người trên phải làm đúng bổn phận, phải sống gương mẫu.

Chứ sống như một số người vâng lời tối mặt, nghĩ rằng hễ Bề trên nói gì, làm gì, không cần biết đúng sai, cứ phải vâng lời làm hoặc phải câm miệng, thì thật là có hại lớn!

Lời Chúa dạy: “Ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền cao chức cả, nhưng phải biết xét xử công minh(Lv 19,15). Hãy nhớ rằng tôi yêu hoa, không có nghĩa là tôi phải yêu cả con sâu nằm trong hoa, tôi phải giết con sâu đó, dù việc ấy có làm rụng phấn hoa.

Muốn thực hành Lời Chúa dạy như trên, thì:

* Trong xã hội: Ta phải chấp nhận ký vào bản án đã dọn sẵn:

« phản động, âm mưu lật đổ chính quyền! »

* Trong Giáo Hội: Ta phải chấp nhận những lời nguyền rủa:

“kiêu ngạo, không có đức vâng lời”.

Tuy nhiên, ta phải “có tâm tư như đã có nơi Đức Giê-su” (Pl 2, 5) , mà sửa lỗi anh em theo từng bước Đức Giê-su đã dạy:

-          Cầu nguyện cho anh em.

-          Gặp nói riêng.

-          Không được, thì cùng với hai, ba người biết chuyện đến nói.

-          Nếu cũng không được, thì kể họ như người ngoại. (x Mt 18, 15-18)

55/17: Phải chọn chân lý trên hết: Ông Philatô hỏi “Chân Lý là cái gì?” Chúa Giêsu trả lời: “Lời tôi là Chân Lý, ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37-38).

Nên bất cứ điều gì không có trong Kinh Thánh, không có trong Giáo Huấn của Hội Thánh, thì chưa chắc đó là chân lý, không chắc là sự thật. Bởi thế ta chớ nói “Tự Do cao qúy nhất”. Vì Chúa dạy: “Sự sống con người mới cao quý nhất , giá trị mọi vật trong vũ trụ cộng lại còn thua xa sự sống con người (Mt 16.26).

Vậy “Hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che gian ác(1Pr.2, 16).

56/17: Kẻ nào mà ta biết chắc họ không muốn đón nhận chân lý, ta phải cư xử thế nào?

Ta phải thực hành lời Chúa dạy: “của Thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo: kẻo chúng lấy chân đạp mất, và quay lại chúng cắn xé các ngươi(Mt 7,6) và “Ai không nghe chân lý thì đừng để bụi nơi họ bám vào chân các ngươi(Mt 10,14)

Thánh Gioan nói: “Ai đến với anh em mà không đem theo mình giáo huấn của Chúa, anh em đừng tiếp nó vào nhà, cũng đừng có chào hỏi nó; vì ai chào hỏi nó là thông công vào những việc xấu xa của nó” (2Ga.10-11). Thánh Phaolô còn dạy gắt gao hơn nữa: “Chúng ta phải nộp con người đó cho satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần linh hồn được cứu thoát trong ngày của Chúa” (1 Cr.5,5)

57/17: Ý thức ta vừa là “chủ” vừa làm “nô lệ”.

Ta là chủ: ý thức trách nhiệm của mình đối với người khác, cũng như ý thức việc bổn phận của ta phải làm cho chu đáo và hoàn hảo. Vì ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về việc bổn phận Chúa đã trao cho (x Ez 33, 7-9).

Ta làm nô lệ: Ý thức phục vụ theo tinh thần của Đức Giê-su dạy (x Ga 13,1-20).

Bởi vì nếu quên mình làm nô lệ, chỉ tự đắc mình là chủ thì rất khắc nghiệt đối với người khác; còn nếu quên mình làm chủ, chỉ muốn làm nô lệ, thì dễ bị người ta sai khiến làm bậy.

58/17: Đừng lạm dụng quyền tự do của mình mà gây cớ vấp phạm cho người khác.

Thánh Tông Đồ dạy:

-          “Anh em đừng lạm dụng quyền tự do của anh em, để nên dịp vấp ngã cho kẻ yếu đuối, vì như thế là anh em phạm đến Đức Ki-tô” (1 Cr 8,9.12).

-          “Đừng làm cớ vấp phạm về một điều gì, để công việc phục vụ khỏi bị đàm tiếu” (2 Cr 6,3).

Chúa Giê-su kết án: “Kẻ nên cớ vấp phạm cho một người nào trong các kẻ bé nhỏ đã tin vào Ta, thì thà nó bị khoanh cối đá lừa kéo vào cổ nó, và nhận chìm đáy biển còn hơn” (Mt 18,6)

59/17: Khi nghe dư luận nhận định về một người, ta phải nhớ bốn điều:

a-      Người đó tốt xấu đều có. Do đó, nếu chỉ nghe điều tốt, hoặc chỉ nói điều xấu về người đó, là bất công !

b-      Người phàm chỉ thấy điều lộ trước mắt, còn Thiên Chúa nhìn ẩn đáy lòng (x 1Sm 16,7). Do đó người phàm dù tưởng đã biết rõ, thì trong đó vẫn có điều lầm.

c-      Có nhiều người tìm cách hại Đức Giê-su, vì họ luôn nghĩ xấu về Ngài. Nhưng ông Ni-cô-đê-mô sau khi đã được đối thoại với Ngài qua một đêm (x Ga 3), ông đã lên tiếng nhắc nhở cho các đối thủ của Đức Giê-su: “Lề Luật của chúng ta có phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7,51).

Vài chứng từ sau đây cho ta suy nghĩ :

-          Cha Don Bosco bị Đức Tổng Giám mục Ricacardi cấm làm Lễ và giải tội.

-          Thánh nữ Maria Mackillop bị rút phép thông công  năm 1871.

d-      Chỉ có thể nhận định về một người tương đối chính xác khi họ kết thúc cuộc đời. Kìa cả đến Đức Giê-su khi còn trên dương thế, Ngài cũng cấm các môn đệ nói cho người khác biết về Ngài, trừ khi Ngài từ cõi chết sống lại (x Mt 16,20 ; 17,9). Cũng vì thế tác giả thư Do Thái dạy: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em, và hãy xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).

60/17: Can đảm là đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo.

Đành rằng Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Khi người ta bắt bớ anh em thành này, thì trốn sang thành khác(x Mt 10,33). Nghĩa là không đối đầu với nghịch cảnh. Tuy nhiên ta nhìn Đức Giê-su khi đối diện với kẻ ác, có lúc Ngài tránh né (x Lc 4,30 ; Ga 8,59) ; nhưng có lúc Ngài quả cảm lên Giê-ru-sa-lem, dù biết trước kẻ ác đang chờ Ngài ở đó (x Lc 9,51).

Đó là đức tính can đảm của người lãnh đạo. Khi ông Mô-sê trao cho ông Giô-suê nối tiếp sứ mệnh để lãnh đạo dân Do Thái, ông Mô-sê dặn: “Hãy ở mạnh mẽ và can đảm, đừng khiếp vía, đừng nhát gan, vì Thiên Chúa ở với ngươi, bất cứ ngươi đi đâu!” (Gs 1,9).

Đức Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả nói: “Đối với mục tử làm thinh, không dám nói sự thật vì sợ hãi, lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao? Bởi vì khi sợ hãi không dám sửa lỗi là họ phỉnh phờ những kẻ phạm tội, bằng cách hứa hão cho chúng được an toàn”.

Lời Kinh Thánh nói: “Không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Chúa ban chiến thắng, bởi lẽ chiến đấu là việc của Thiên Chúa(1Sm 17,47). Do đó “kẻ sợ chết suốt đời sống trong tình trạng nô lệ(Dt 2,15). Mà nô lệ thì không thể lãnh đạo ai được !

Đức Giê-su cho các môn đệ biết trước: “Anh em sẽ gặp gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian(Ga 16,33b). Vì “Thiên Chúa là cờ trận của ta(Xh 17,15).

Làm người có nhân bản, thì phải ý thức về sự chết:

-       Kẻ nhút nhát, thì sợ thần chết.

-       Đứa tuyệt vọng, thì tìm cái chết.

-       Tên hưởng thụ, thì chẳng nghĩ chết.

-       Người anh hùng, thì liều mạng chết.

-       Đấng khôn ngoan, thì chuẩn bị chết.

Vậy chết vì chân lý hơn là sống không chân lý.

61/17: Khi người trên nhờ ta làm việc gì, ta phải thưa lại: Khi nào làm để cho người trên yên tâm, và ta phải giữ đúng lời đã hứa, và hoàn tất càng sớm khi có thể. Chúa gọi ta trao việc Ngài không hẹn ta ngày mai nhưng Ngài nói: “Hôm nay con đi làm vườn nho cho cha(Mt 21,28t)

62/17: Hãy tập đức tính mau mắn, nhanh nhẹn,hầu thắng thói lề mề. Cụ thể phải diệt trừ thói xấu ngủ nướng, khi đã có thời gian đủ cho sức khỏe:

-          Người lớn tuổi ngủ tối đa 7 tiếng.

-          Thanh niên ngủ tối đa 8 tiếng.

-          Trẻ em ngủ tối đa 9 tiếng.

Do đó khi được nghe báo thức, thì hãy bật dậy ngay, để biểu lộ tinh thần mau lẹ thực hành ý Chúa, như ông Giuse trong đêm ba lần mau mắn chỗi dậy làm theo lệnh Chúa truyền (x Mt 1,24; 2,13.20). Trong trường hợp ta cần ngủ thêm, thì hãy gặp người có trách nhiệm trong cộng đoàn để nêu lý do, hầu tránh hiểu lầm ta làm gương xấu.

 

63/17: Để trở thành người Công Giáo trí thức, đáng được mọi người kính nể, ta nhắm huấn luyện mình hai điều này:

-          Về Đức Tin và lòng Mến: Luôn cầu nguyện xin Chúa cho ta có trái tim biết nghe (x 1V 3, 9-13), đặc biệt nghe và tìm hiểu Lời Chúa, và sung sướng được nói về Chúa đến nỗi không ai bịt miệng được (x Mc10,46-52; 2Cr 11,10 ; 1Cr 9,16).

-          Về Nhân Bản: Ta phải học biết làm một việc gì, nhất là làm phát triển năng khiếu. Ví dụ: giỏi đàn, giỏi vẽ, giỏi kiến trúc…làm cho người khác luôn cần đến mình, chứ không sống vô dụng trong môi trường mình ở. Phải suy nghĩ kiểu thánh Phanxico Xavie: Ông kia bà nọ làm được điều tốt, hữu dụng cho người khác, tại sao tôi không làm được?

64/17: Muốn có nhiều bạn tri kỷ. Ta biết tâm lý quần chúng, ai cũng sợ người có quyền, nên họ tìm cách xa lánh. Thực vậy, những người cùng trang lứa họ dễ đến với nhau, chẳng chút ngại ngùng ; nhưng rất ngại đến với người có chức quyền, trừ phi có việc cần thiết. Do đó người có địa vị dễ mất bạn tri kỷ! Tuy nhiên, người có địa vị cao muốn có nhiều bạn thân sẵn sàng “móc mắt hiến cho(x Gl 4,15), thì phải hạ mình xuống đến với người thấp cổ bé miệng trước. Bởi vì chẳng ai cao trọng bằng Chúa Giê-su, mà Ngài nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em(Ga 15,16). Rõ ràng “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta(1Ga 4,10).

Như thế, yêu là bước xuống đến với người anh em trước. Vì vậy Lời Kinh Thánh dạy: “Càng làm lớn con càng phải tự hạ(Hc 3,18a)

65/17: Muốn huấn luyện lớp người để “chọn mặt gởi vàng” thì phải bắt chước Đức Giêsu: “Ngài làm rồi mới dạy” (Cv.1,1). Cụ thể, để cứu loài người, Đức Giêsu đã tự hạ mình phục vụ như một người tôi tớ (x. Ga.13,Phil. 2,6-11). Bởi thế người có trách nhiệm giáo dục cũng phải hạ mình xuống :

-          Ăn chung 1 bàn

-          Làm chung 1 việc

-          Chơi chung 1 trận.

 Trong cùng một mục đích để tìm hiểu tính tình, khả năng trước khi trao quyền, trao nhiệm vụ. Vì chỉ lúc cùng ăn, cùng làm, cùng chơi, người ta mới lộ ra cá tính cũng như nết xấu. Do đó khi chưa biết rõ đối tượng giáo dục, mà đã trao quyền, trao nhiệm vụ, thì  khi họ đã có chức có quyền, có người lộ ra thiếu nhân bản, thiếu đạo đức, thiếu khả năng. Nói tắt đó là một lãnh đạo tồi tệ, gây phương hại cho xã hội và Hội Thánh!  

Giáo huấn Công Đồng Vat.II, trong Sắc Lệnh Đời Sống LM số 3 nói : “Hội Thánh chỉ phong chức Linh mục cho người có lòng từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch thiệp, trong sạch, công bằng, thánh thiện khả ái, danh thơm tiếng tốt, hạnh kiểm đáng khen” ; và trong Hiến Chế Hội Thánh số 37 dạy : “Các chủ chăn phải  nhìn nhận và nâng cao phẩm giá trách nhiệm của giáo dân, sẵn sàng chấp nhận ý kiến khôn ngoan của họ. Phải nhìn nhận và tôn trọng tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế”.

Bởi vậy, dân Chúa chỉ mong đừng bao giờ các Bề trên huấn luyện Chủng sinh lại đề cử với Giám mục phong chức cho người thiếu nhân bản trầm trọng, thiếu khả năng phán đoán quân bình, thiếu sự kiềm chế xúc động bản thân, thiếu khôn ngoan, thiếu thận trọng khi hành xử và phát biểu, nhất là thiếu thiện chí tìm đường phục vụ hữu hiệu, lại gây bất hòa chia rẽ đoàn chiên. Vì như thế là xấu hổ cho Hội Thánh và làm nhục Chúa Ki-tô là Mục Tử nhân lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét