TÊRÊSA VỚI SỨ ĐIỆP
NÊN THÁNH
Lịch sử Giáo Hội có lẽ chưa có vị Thánh nào lại được
phong một cách mau mắn đồng thời giáo thuyết của người được xưng tụng nồng nhiệt
như Teresa Hài Đồng Giesu. Theo thông lệ, chỉ sau năm mươi năm kể từ khi một vị
nào đó qua đời, Giáo Hội mới thiết lập tòa án phong chân phước nếu có đơn thỉnh
nguyện. Riêng với Teresa HĐ Giesu thì Đức Giáo Hoàng Gregorio XV đã chước chuẩn
còn 24 năm, tức vào năm 1921 đã ra sắc lệnh chị Teresa thực thi nhân đức anh
hùng và rồi chỉ sau có bốn năm tức vào ngày 17 tháng 5 – 1925 tại đại Thánh đường
Phero trước mặt năm mươi ngàn người dự lễ bên trong và năm trăm ngàn giáo hữu tụ
tập ngoài công trường. Đức giáo hoàng Pio XI đã long trọng ghi danh chị Teresa
Martin vào sổ các Thánh. Và mới đây, năm 1997 kỷ niệm một trăm năm ngày mất, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại phong ngài lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh, một vinh
dự tuyệt đỉnh. Phong tiến sĩ HT cho một nữ tu mới có chín năm tu dòng, hai mươi
bốn năm tuổi đời, điều đó hẳn nhiên phải có lý do và lý do ấy đã được đức giáo
hoàng PIO XI tuyên dương trong lễ phong Thánh “Chị dòng kín khiêm tốn đã đem
đến cho thế giới một “Sứ Điệp Mới” (Omen Novum) Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng đã mở
ra trong giáo hội một giai đoạn mới khiến việc nên Thánh trở nên dễ dàng với mọi
người. Thánh Teresa thành Lisieux là một trong những đại tôn sư về đức trọn
lành Kito giáo. Trong sự vinh quang rực rỡ, ngài xuất hiện trước mắt
chúng ta như là người tiên báo một thế hệ mới mẻ về tu đức” (MM Philippon.
OP Sứ Điệp của Teresa thành Lisieux).
Trong tâm tưởng của nhiều người, việc nên Thánh hầu
như luôn được đồng hóa với những gì là phi thường. Từ việc cầu nguyện cho đến
khổ hạnh, từ các phép lạ cho đến xuất thần, nhiệm hiệp với Chúa, tất cả đều nhuốm
một màu thần bí khó tin. Thế nhưng với Teresa Hài Đồng Giêsu cùng với Con Đường
Thơ Ấu của ngài thì dường như lại quá ư….tầm thường. “Ngay ở Tòa Án phong
Thánh chỉ vỏn vẹn có một trang giấy kể lại những việc làm nhỏ mọn của chị trong
suốt đời Dòng Kín = lần lượt chị đảm nhiệm chu đáo những việc nhà giặt, phòng
ăn, phòng khách và giữ cửa…” (MM Philippon OP Sđd) Một khi Giáo Hội
đã phong thì chắc chắn phải xứng đáng lắm rồi. Tuy nhiên về phần “Sứ Điệp”
tức Con Đường Thơ Ấu” ấy chưa hẳn người ta đã nhận ra được giá trị thực của nó
“Đã có những tu viện, những đoàn thể mộ đạo cũng như nhiều bậc vị vọng trong
Giáo Hội và nhiều cấp trên uy tín đã đón nhận “Chuyện Một Tâm Hồn” với nụ cười
hoài nghi. Phải chăng người ta nghĩ đó là thứ thánh thiện sặc mùi nước hoa và
không bao lâu sẽ suy tàn” (MM Philippon OP Sđd). Bất chấp người nào
đó mỉa mai, nghi ngờ, với trường hợp của Teresa quả thực đây là một hiện tượng
hiếm có của thời đang manh nha bước vào tục hóa này “Teresa đã hứa không ở
yên trên Thiên Đàng = tôi sẽ xuống, tôi sẽ đi vòng quanh thế giới. Có còn
phương trời xa xăm nào không nghe nói về Thánh Nữ hay không thấy nét mặt tươi
cười của Thánh Nữ bé thơ thành Lisieux. Người ta cầu khẩn Thánh Nữ bằng mọi thứ
tiếng, mọi thổ ngữ khắp địa cầu. Thánh Nữ tươi cười với mọi người. Một quân
nhân miền Baviere nói với tôi “ Đối với chúng tôi, người là Nữ Thánh của nước Đức.
Nhà thờ nào của chúng tôi cũng có tượng Thánh Nữ. Người hiện diện trong
khắp đất nước chúng tôi” (MM Philippon Sđd).
Ái mộ, khẩn cầu với Thánh Nữ là một việc nhưng có
hiểu và thực hành giáo thuyết “Đường Thơ Ấu” hay không đó lại là chuyện
khác. Xét trên phương diện Thần học, cho đến giờ phải chăng người ta vẫn chưa
hiểu biết chi về Đường Thơ Ấu?. Như được linh cảm, bà Agnes de Jesus bề trên
Dòng Kín cũng là người chị thứ của Teresa và tiếp đó là Mẹ bề trên Marie de
Gonzague đã truyền lệnh cho Teresa phải viết lại ký sự đời tu của mình. Khi
Thánh Nữ qua đời, những tập ghi chép ấy được Nhà Dòng san định và cho phổ biến
với tên Truyện Một Tâm Hồn. Trong thời gian khá lâu “Một Tâm Hồn”
đã được xếp vào loại sách Tu Đức rất có giá trị được dịch ra nhiều thứ tiếng và
không ngừng tái bản. Thế nhưng gần đây người ta đã nặng lời phê phán, không phải
Teresa nhưng là bà chị của ngài tức Mẹ bề trên Agnes de Jesus “Linh mục
Francois Six thuộc Hội Mission de France từ lâu đã nghiên cứu Thủ bản của Thánh
Nữ mới đây đã cho xuất bản cuốn sách nghiên cứu thứ ba về Nữ Thánh. Ông tiết lộ
chính bà Agnes de Jesus vì sợ …những cách tân táo bạo của Teresa làm chướng tai
người đương thời nên đã sửa các trang viết của Nữ Thánh lại và làm thành cuốn
truyện Một Tâm Hồn. Bà đã biến chất muối mặn mòi cách mạng của Teresa thành thứ
đường vô vị lạt lẽo. Linh mục Six rất lấy làm tiếc là những cuốn tiểu sử Teresa
gần đây vẫn cứ in kèm cái gọi là Novissima Verba (Những lời nói sau cùng) do bà
Mẹ Agnes ghi chép. Linh mục cho đây là một sự lừa dối về mặt tinh thần. Ông nói
tiếp = những sửa đổi thêm thắt của bà sở dĩ trở thành vấn đề vì nó đem lại kết
quả ngược tức là nó phản tác dụng. Nhiều người đi tìm một linh đạo đích thực
Teresa lại chán ngán vì gặp phải một thứ linh đạo rẻ tiền về Teresa” (Tb CG
& DT số 1078/96).
Sự sửa đổi một số câu từ, sắp xếp lại từng chương,
thêm phần phụ trương tức các thư từ, tường thuật lại những giây phút sinh thì của
Thánh Nữ…Tất cả đã được làm chỉ vì để mưu ích cho các linh hồn chứ có chi đâu
mà nói …”lừa dối về mặt tinh thần”? Vả lại chính Thánh Nữ cũng đã yêu cầu
việc sửa đổi ấy “Thưa mẹ, nếu mẹ thấy cần phải thêm hay bớt điều gì vào tập
viết của đời con thì xin mẹ cứ tự tiện. Vì con coi như chính con thêm bớt vậy.
Xin mẹ nhớ điều đó và đừng e ngại gì về vấn đề này” (Francois de Saint
Marie – Thủ bản tự thuật). Với quyết định phong Thánh, hơn nữa lại là Thánh Tiến
Sĩ cho Teresa hoàn toàn đâu có phải là vì tính chất văn chương hoặc cần phải
tôn trọng bản quyền tác giả của cuốn Một Tâm Hồn, nhưng là việc Teresa đã khám
phá và trình bày ra được đường lối nên Thánh xưa nay chưa từng có, vậy thôi. Vả
lại cần nên nhớ “Đường Thơ Ấu” đâu có phải do Teresa sáng tác mà là của
Đức Kito. Chính vì lầm như vậy nên người ta mới tỏ ra …”chán ngán vì gặp phải
một thứ linh đạo giả, rẻ tiền về Teresa. Đường Thơ Ấu” là đường
nên Thánh do Đức Kito truyền dạy nhưng đây cũng chính là con đường từ ngàn xưa
của Đạo Chúa. Mặc dầu có rất nhiều đường lối nên Thánh khác nhau nhưng để đi được
trên con đường ấy thì tự thân mỗi người cần phải khám phá chứ không ai có thể
làm thay cho ai việc này được. Teresa ví đường nên Thánh của mình giống như chiếc
thang máy “Nghĩ xong, thưa mẹ con liền mở Kinh Thánh ra tìm xem có tia sáng
gì về máy mới phát minh kia chăng. Con đã đọc tới lời Đấng Khôn Ngoan vô cùng
nói “nếu ai bé nhỏ nhất hãy đến cùng Ta. Con nghe vậy liền chạy đến cùng Chúa,
nghĩ bụng đã khám phá được điều muốn tra cứu. Song lại muốn biết Chúa yêu kẻ bé
nhỏ nhất nào. Con tiếp tục tìm và tìm đã thấy lời này “như người mẹ mơn trớn
con mình thế nào Ta cũng sẽ an ủi các ngươi, ẵm bế trong lòng và ru ngồi trên gối
Ta thể ấy” (Một Tâm Hồn chương IX). Thang máy ấy chính là ... cái đầu gối của
Thiên Chúa, ai cũng biết đi thang máy là một việc quá dễ, chỉ cần bấm vào một
cái nút và rồi cứ thế nó sẽ đưa lên bất cứ tầng nào mà mình muốn đến vừa chẳng
nhọc mệt gì hết lại vừa chóng vánh. Xưa nay người ta vẫn ví nên Thánh giống việc
leo núi, nhiều vách đá cheo leo hiểm trở, chỉ xảy chân một bước là lao xuống vực
sâu tan xác. Nên Thánh bằng cách …leo núi đó là do tự lực, trái lại bằng thang
máy là dựa vào tha lực. Mặc dầu khác nhau như thế nhưng cả hai con đường nên
Thánh ấy đều giống nhau ở một điểm đó là phải có ơn gọi. Thiên Chúa kêu gọi tất
cả chúng ta, vào thời Cựu Ước gọi là Dân Riêng, còn trong thời Tân Ước này đó
là Hội Thánh Tông Truyền của Đức Kitô.
Ai trong chúng ta cũng đều được ơn kêu gọi nên Thánh, tuy nhiên điều tối
ư hệ trọng ở chỗ là ta có quyết tâm kiên trì theo đuổi ơn gọi ấy hay là không.
Muốn đi thang máy thì phải bấm nút, còn leo núi thì phải cố mà cất từng bước
chân.
Có thể nói Teresa Hài Đồng Giesu là cái cột mốc
phân chia thành hai đường lối nên Thánh, một đàng theo con đường leo núi đầy
khó khăn hiểm trở, một đàng là thang máy thiêng, tức hoàn toàn phó thác vừa bảo
đảm lại vừa dễ dàng. Có rất nhiều người đã tiến bước theo Con Đường Thơ Ấu ấy nhưng
ở đây chỉ xin nói đến hai trường hợp, một là của Consolata Betrone (1903 –
1946) nữ tu dòng Capucine và hai là của Chiara Badano (1971 – 1990) hội viên
phong trào Focolare, người vừa mới được phong chân phước ngày 25/9/2010. Trước
hết chị Consolata kể về ơn gọi của mình “một ngày thứ hai nọ trong mùa hè
1974 cô Dina Richetto, một trong các bạn đồng lứa tuổi của tôi, nhờ tôi giữ dùm
một cuốn sách, đó là cuốn Truyện Một Tâm Hồn “Sau cơm chiều tôi ra ngồi trên
bao lơn trước cửa tiệm tạp hóa của gia đình tôi và dưới ánh đèn đường tôi khởi
sự đọc truyện của chị Teresa HĐ Giesu. Một cảm giác xâm chiếm tôi, tôi chính là
“linh hồn yếu đuối mà Chúa Giesu đã khám phá ra. Chúa sẽ tìm được linh hồn nào
yếu đuối hơn linh hồn tôi? lời mời gọi các linh hồn nhỏ lôi kéo tôi = Sống Tình
Yêu”, yêu Chúa Giesu. Tôi muốn yêu Chúa Giesu như chưa hề có ai yêu như vậy.
Tôi gục đầu vào hai bàn tay và nghe có tiếng Chúa gọi trong lòng , một
tiếng gọi luôn thúc bách hơn mãi” (Lm Lorenzo Sales – Con đường nhỏ của
Tình yêu”. Ơn kêu gọi của Consolata là “Sống Tình Yêu” và đích thân Chúa
Giesu đã dạy chị cách Sống Tình Yêu ấy bằng cách liên lỷ tác động duy chỉ một
câu “Giesu Maria lòng con yêu mến, xin cứu các linh hồn” Thật sự
mà nói không riêng gì Teresa hay Consolata mà hết thảy chúng ta cũng đều phải “Sống
Tình Yêu” bởi toàn bộ giới răn của Đạo Chúa cũng chỉ tóm gọn trong hai giới
răn “Mến Chúa Yêu người” mà thôi. Ai cũng có ơn gọi ấy bất kể là nam nữ,
gái trai trẻ già, nghề nghiệp thành phần xã hội. Chiara Badano thành viên phong
trào Focolare là một cô bé thích múa hát, chơi quần vợt và trượt băng, thích
leo núi, tắm biển. Một hôm đang chơi quần vợt thì một cơn đau khủng khiếp ập đến
và cơn đau này chỉ chấm dứt bởi cái chết trong hân hoan “Tất cả đối với
Chiara là một lễ mừng. Bạn ấy nói với tôi rằng bạn ấy muốn được an táng trong bộ
đầm trắng như một vị hôn thê đến gặp Chúa Giesu” (Thiên Phong – Xuân Bích)
Chọn Chúa Giesu làm bạn mà Ngài lại là Thiên Chúa Tình Yêu thì hẳn nhiên là con
đường nên Thánh chắc chắn là phải hanh thông rồi. Tự sức mình không một ai có
thể nên Thánh nhưng nếu có Ơn Chúa thì ai cũng có thể” Đối với loài người
thì việc ấy không thể nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” Mt 19, 26.)
Teresa HĐ Giesu rồi đến Consolata Betrone, đến
Chiara Badano, tất cả đều nhờ Ơn Chúa mà nên Thánh. Tuy nhiên Ơn Chúa dù ở
trong đấng bậc nào, dù ở bất cứ phương trời hay thời đại nào đều phải được bao
hàm trong ba nhân đức đối thần = Tin Cậy Mến.
I/- Trọn vẹn niềm tin
Ba nhân đức Tin Cậy Mến được gọi là ba nhân đức đối
thần và Thần ở đây không phải Đấng Thần Linh nào khác mà đó chính là Thiên
Chúa Tình yêu (1Ga 4, 16) là Bản Thể nội tại ở nơi mỗi người. Do bởi Thiên
Chúa là Đấng Nội Tại như thế nên tuy phân ra có ba nhân đức Tin cậy Mến nhưng
thật ra bất cứ nhân đức nào cũng bao gồm hai nhân đức còn lại. Có Tin là có cả
Cậy cả Mến và ngược lại. Mặc dầu vậy Đức Tin vẫn được coi là đầu mối của Đạo, để
rồi từ đó mới nảy sinh lòng cậy, lòng mến. Trong thời tục hóa này, đức tin đang
bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Tại fatima ngày 12/5/2010 đức Thánh cha
Benedicto XVI nói “Thời nay đức tin tại nhiều vùng rộng lớn đang có
nguy cơ tàn lụi” đức tin tàn lụi cũng có nghĩa con người ngày nay do bởi ảnh
hưởng của não trạng duy lý và lối sống duy vật thực dụng đã không còn tin vào sự
hiện hữu của Thiên đàng cũng như Hỏa Ngục. Một khi đã không tin có Thiên Đàng Hỏa
Ngục thì đương nhiên cũng chẳng làm gì còn có đời sau, chết là hết. Sự thật thì
chết có phải là hết hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, người ta không thể
thỏa mãn nó bằng lý luận mà chỉ có thể bằng thực hành tôn giáo. Nói cách khác,
chính trong đời sống thực hành tâm linh mà con người mới có thể được khai mở
cho biết về đời sau, hoặc vinh phúc đời đời trên Thiên Đàng hoặc trầm luân muôn
kiếp trong Hỏa ngục. Teresa sinh ra và hiện hữu ở nơi cõi đời này dù chỉ trong
một khoảng thời gian rất ngắn nhưng có thể nói chị đã vực dậy được đức tin vào
đời sau cho cả một thời đại hầu như đang bị các thế lực của Hỏa Ngục làm cho
điêu đứng. Quả vậy, ngay từ khi còn là cô bé chưa đầy ba tuổi đã có ước nguyện
được về Thiên Đàng. Mẹ của Teresa nói “Con bé tinh nghịch không ai bằng. Nó
đến hôn mẹ rồi chúc cho mẹ chết = A mẹ ơi con ước ao mẹ chết lắm. người ta mắng
nó nói bậy, nó tỏ vẻ bỡ ngỡ rồi chữa mình = con chúc thế để mẹ lên Trời vì mẹ
đã bảo có chết mới lên Trời được và hễ khi nó yêu cha nó quá nó cũng chúc cha
chết như thế” (Một Tâm Hồn. Chương I) Yêu mến ai thì muốn điều tốt, điều
lành cho người ấy, và với tâm tình đơn sơ cô bé nghĩ rằng nếu chỉ sau khi chết
mới được về Trời thế nên mới có lời cầu lạ lùng như thế. Niềm tin ấy tuy đơn sơ
nhưng nó đã phát xuất bởi một cảm nghiệm sâu sắc rằng đời sống này chỉ là phù
du giả trá tạm bợ. Tính chất chóng qua và nhàm chán của đời này đã được nói đến
không ít lần “Ngày Chúa Nhật vui thì vui thật, song mau chóng lắm, lại cũng
không khỏi có sự buồn. Con chỉ vui được từ sáng đến khi đọc kinh tối (complies)
rồi trở đi tâm tình buồn lại vẩn lên trong lòng. Con nghĩ đến ngày mai cũng chỉ
lại có thế. Lại sống lại làm việc lại học bài mà chạnh lòng ngao ngán kiếp phù
sinh và ước ao mau mau về an nghỉ chốn đời đời để vui sống Ngày Chủ nhật trường
cửu trên Quê Thật” (Một Tâm Hồn Chương II).
Nhận ra tính chất phù phiếm và khổ đau ở nơi cõi thế
là bước khởi đầu của cuộc hành trình tâm linh, trái lại còn hăm hở tính toán nọ
kia dù bất cứ dưới hình thức nào thì đường về vẫn còn quẩn quanh trong cõi tử
sinh, sinh tử. Tại sao? Bởi lẽ phải nhàm chán thì mới có thể dứt khoát từ bỏ.
Tuy nhiên để có thể thực hiện sự từ bỏ này thì cần phải được nâng đỡ, hướng dẫn
bởi một đời sống kỷ luật tự giác chỉ có ở nơi tôn giáo. Con người ngày nay sau
những đổ vỡ các ý hệ chính trị, những niềm tin tưởng vào sự khai sáng của khoa
học, của một nền giáo dục nhân bản, đã rơi vào một chủ thuyết cực kỳ nguy hại
cho đức tin Công Giáo đó là Chủ Nghĩa Tương Đối (Relativisme) mà đức Thánh cha Benedicto XVI đã nhiều
lần đề cập và cho đó là vấn đề hệ trọng nhất, giáo hội hiện nay đang phải đương
đầu. Tính chất nguy hiểm của chủ thuyết này ở chỗ nó làm cho con người hoàn
toàn mất định hướng không phân biệt được đâu là chính đâu là tà, tội phúc đánh
đồng một cách vô tội vạ. Một khi đã mất định hướng thì con người sống trong
nhàm chán mà không thể biết được nguyên nhân nào đã gây ra cho nó. Các Thánh đường
thì bỏ trống để tuốn đến các cầu trường bóng đá có hàng vạn người hò hét cuồng
nhiệt, các bãi biển đầy dẫy những tệ nạn vô luân, các hộp đêm loạn cuồng bởi ma
túy, thuốc lắc…v..v…và rồi sau tất cả những trò nhiệt náo ấy là nỗi cô đơn trống
vắng không thể lấy gì bù đắp. Mất định hướng, con người chẳng những trở thành
những kẻ vật vờ lang thang trong kiếp sống này mà còn ở nhiều nhiều kiếp về sau
đúng như thi sĩ điên Bùi Giáng đã tiên liệu cho mình “Tôi về chín suối lang
thang. Tìm em kiếp trước theo tràng giang trôi”. Sống mà không có định hướng,
điều ấy cũng đồng nghĩa với sống mà không có cho mình bất kỳ một hy vọng nào.
Trồng một cái cây ai mà chẳng trông chờ đến ngày ra hoa kết quả. Người học trò
chăm chỉ học hành là mong cho có ngày tốt nghiệp. Người nông phu giãi nắng dầm
mưa ai mà chả mong mùa gặt bội thu? Tuy nhiên đối với những mục tiêu trong đời
thường thì nó cụ thể dễ xác định như thế, còn trong lãnh vực tâm linh thì không
như vậy. Niềm hy vọng vào đời sau hạnh phúc vô biên vô tận đã bị nhạo cười
khinh miệt cho đó chỉ là một thứ đền bù hư ảo, là thuốc phiện chỉ để dành cho hạng
người nô lệ, bất lực không có khả năng…làm chủ cuộc đời mình? Ngay cả trong tôn
giáo niềm tin vào đời sau cũng đang bị đặt lại và nó đang có nguy cơ được Đức
Kitô tiên báo cho Ngày Tận Thế “Chẳng biết ngày Con Người đến có còn niềm
tin trên mặt đất này chăng?“ (Lc 18, 8).
Teresa đem đến một Sứ điệp nên Thánh thích hợp cho
thời đại đồng thời cũng là để củng cố đức tin vào đời sau cho con người. Để làm
được điều này Nữ Thánh đã phải trải qua những thử thách ghê hồn mà những nhà tu
đức gọi đó là Đêm dày Đức Tin “Vậy Chúa đã làm thinh cho sự tối tăm mù mịt dày
nặng ập vào linh hồn con, đến nỗi trở về trước khi nào nghĩ đến Thiên Đàng lòng
con cũng vui mừng khoái lạc lắm. Từ bây giờ không thế nữa, hễ nghĩ đến Thiên
Đàng con chỉ cảm thấy lòng xung đột và phát sinh sự trầm phiền đau đớn. lại nữa,
cái tâm trạng khổ cực này phải đâu chỉ là đôi ba bữa hay năm bảy tuần, con đã
phải chịu lâu tháng lắm mà hiện nay con còn phải mong mỏi giờ giải phóng. Con ước
ao bày tỏ sự cơ cực dày vò cõi lòng mà nói chẳng được. Phải là người đã đi đường
hầm tăm tối mịt mù ấy mới hiểu biết mà thôi” (Một Tâm Hồn – chương IX). Phải có
tu mới thấy cái khó của tu, tu càng tích cực bao nhiêu lại càng gặp nhiều trở
ngại bấy nhiêu, bởi thế cho nên Nhà Phật mới có câu = Đạo cao ma thịnh là vậy.
Chỉ những bậc đại Thánh mới vượt thắng được đêm tối đức tin. Tuy nhiên không thể
có sự vượt thắng ấy nếu cậy dựa vào sức mình. Nói cách khác chính sự thử thách
đức tin ấy mà con người nhận ra sự bất lực của mình “Mỗi khi ma quỷ cám dỗ
con về đức tin. Con cầm mình rất can đảm nhưng vì biết rằng đánh tay đôi với
thù tử là hèn nhát nên con tháo lui ngay chẳng thèm ngó nó nữa. Con chạy đến
phân phô cùng Chúa, con sẵn sàng đổ máu đến giọt cuối cùng để minh chứng có
Thiên đàng. Con vui lòng mất phúc trọng này là con mắt linh hồn chẳng còn suy
hiểu được nơi vui vẻ ấy ở thế gian để xin Chúa đoái thương mở rộng cửa Thiên
Đàng cho những kẻ chẳng tin, được vào hưởng phúc đời đời” (Một Tâm Hồn
Chương IX).
Giờ phút cuối cùng của một đời người là vô cùng
quan hệ, nó quyết định cho phần phúc đời đời hay tai họa muôn kiếp. Tuy nhiên
cũng giống như cây nghiêng chiều nào tất đổ theo chiều ấy. Teresa đã phát tâm
chịu đựng cảnh đêm tối đức tin để minh chứng có Thiên Đàng thì Thiên Đàng chẳng
lẽ nào lại không mở rộng cửa đón tiếp người “ Bỗng dưng Teresa ngửa mặt lên
như có tiếng nhiệm gọi. Người mở mắt ra gương mặt sáng láng bình an vui vẻ lạ
thường, đôi mắt cứ đăm đăm nhìn lên phía trên ảnh Đức Mẹ lâu bằng đọc Kinh Tin
Kính. Đoạn linh hồn Thánh ấy trở nên mồi ngon cho Phượng Hoàng Cực Thánh tha về
tổ phước Thiên Đàng” (Một Tâm Hồn Chương IX). Sống tôn giáo là sống cuộc
chiến đấu của đức tin nhưng cuộc chiến ấy không một ai có thể thắng nếu không
nhờ vào Ơn Thánh.
II/- Trọn niềm
cậy trông
Con đường về Trời là đường dành cho trẻ nhỏ “Ai
chẳng nên như con trẻ thì chẳng vào được Nước Trời” (Lc 18, 17)
Thánh Teresa đã được ơn gọi để đi con đường này mà người gọi đó là Đạo Thần Đồng.
Có lần vào thăm Teresa tại phòng liệt, mẹ Agnes de Jesus hỏi “Đàng tiểu lộ
con muốn dạy các linh hồn là đàng thế nào ? Thưa mẹ, chính là Đạo Thần Đồng,
chính là đàng hoàn toàn cậy trông Chúa và phó thác mặc Thánh Ý Người”
(Một Tâm Hồn Chương XII) Cậy trông và phó thác mặc Thánh Ý Chúa không phải hai
việc khác nhau nhưng là một bởi cậy trông tức là không theo ý riêng mình mà là
Ý Chúa. Người đời hết thảy không ai là không lấy ý riêng làm mình. Rene
Descartes (1596 – 1650) đề ra nguyên lý “Cogito ego sum’ (Tôi tư tưởng vậy
tôi tồn tại) Khi nói “Tôi tư tưởng” tức có nghĩa đã cho “Tôi” là
chủ thể của tư tưởng, thế nhưng thật sự thì chẳng làm gì có cái gọi là chủ thể.
Nếu tôi là chủ thể của tư tưởng thì lẽ ra tôi phải muốn tư tưởng hoặc không muốn
tư tưởng gì cũng được. Hay là muốn tư tưởng nghĩ suy điều tốt điều xấu gì cũng được?
Thực tế thì rất nhiều khi tôi muốn ngủ lắm nhưng không thể được vì đầu óc cứ
miên man nghĩ suy tư tưởng hết chuyện này việc khác, lật mình trăn trở hết bên
này, bên kia !!!. Tôi không phải là chủ của tư tưởng nhưng lại cứ chấp cho là
như thế thành ra cứ phải thường trực sống trong sợ hãi. Bao lâu còn thấy có “Tôi”
(Ngã chấp) thì không thể tránh sao cho khỏi sợ, bởi lẽ “cái Tôi” nó
nào đâu có thật? Bảo vệ, lo cho cái không thật thì suốt đời sẽ phải sống trong
lo âu sợ hãi, điều ấy là tất nhiên thôi. Đường Thơ Ấu chính là con đường không
còn thấy “Có Tôi” mà chỉ còn có Chúa vì vậy chẳng còn lo chi nữa “ Chúa
Giesu đã cho em biết con đường duy nhất đưa ta đến biển lửa Tình Ái là phó thác
mình trong tay Chúa, tựa hồ đứa trẻ nằm ngủ trên cánh tay cha mình, không còn
biết lo sợ gì nữa” (Một Tâm Hồn Chương XI).
Xem ra “Đường Thơ Ấu” mà Teresa trình bày có
vẻ toàn là những cái vụn vặt của trẻ con, nào con quay, kính vạn hoa, món rau
trộn không tên cùng những lời tình tứ của nữ nhi v.v.. và rồi trước mắt …những
người lớn họ tủm tỉm cười đánh giá cho “Teresa mắc phải chứng bệnh trì nghi
xao xuyến (la maladie des scrupules) khiến lòng cô lúc nào cũng ngổn ngang trăm
mối tơ vò, nghi hoặc xao xuyến không yên. Cô trở nên mẫn cảm, chợt khóc
chợt cười..” (Tb CG & DT số 1078/96). Như đã nói “Đường Thơ Ấu”
là chân lý mạc khải của Đức Kitô chứ không phải của Teresa, chị chỉ là người thực
hiện và trình bày. Sự trình bày ấy không một ai khác ngoài Teresa, một con người
đã trải qua biết bao trở lực cùng với ý chí mãnh liệt mới gia nhập được vào
Dòng Kín, một dòng khổ hạnh nghiêm nhặt nhất thời đó. Có thể nói cuộc đời của
Teresa rất vắn vỏi nhưng đã được tiền định cho một sứ mạng hết sức cao cả. Giáo
Hội đã không hề lầm khi phong Thánh và Thánh Tiến Sĩ cho ngài. Sứ mạng ấy là
làm vực dậy đức tin hầu như đã mất của thời đại. Một khi đức tin vào Đấng Thiên
Chúa Tình Yêu đã mất thì con người không thể không lâm vào tình trạng sống thường
trực trong lo âu hãi sợ. Teresa đã chịu thử thách và vượt qua được “ Đêm Tối
Đức Tin” để rồi được sống trong bình an đích thực mặc cho mây đen vẫn che
phủ bầu trời “Con chẳng còn sợ hãi gì hết dù bão táp dù mưa nắng mà dù mây
đen đùn lên che lấp hẳn Mặt Trời yêu dấu đó đến cái bước phải tin rằng đời con
không còn gì khác chỉ còn đêm tối. Con cũng cứ vui và vui cho trọn vẹn. Giờ
phút đó, hơn khi nào hết, lòng cậy trông của con càng vươn sức đến cùng độ. Con
cũng không cần dời đi nơi khác vì đã nhận biết chắc chắn rằng bên trên những tầng
mây đen nghịt nặng nề kia mặt Trời con trìu mến vẫn đang rực rỡ giãi sáng dịu
dàng ấm áp” (Một Tâm Hồn Chương XI).
Sự “Nhận biết chắc chắn” của Teresa rằng bên
trên bầu trời đen kịt mây đen kia Mặt Trời vẫn đang rực rỡ giãi sáng…đó chính
là việc Kiến Tánh của chị. Kiến ở đây dĩ nhiên không phải cái thấy của con mắt
xác thịt nhưng là của Trí Tuệ. Sở dĩ qua con đường đức tin mà có được trí tuệ ấy
bởi vì Tánh được Kiến chẳng phải điều chi khác mà là chính Bản Thể Tình Yêu ở
nơi mỗi người. Có nhiều mức độ Kiến Tánh nông sâu khác nhau nhưng có thể nói chỉ
khi có được cái thấy trí tuệ đó thì con đường tu mới được khai thông. Ngoài ra
dù có nỗ lực tinh tấn hoặc diễn giảng viết lách cao siêu đến đâu cũng vẫn chỉ
là những kẻ còn ở bên ngoài cửa. Hay nói theo Nhà Thiền thì đó chỉ là cái hạng…tông
đồ tri giải. Sự trực nhận chân lý mà Teresa gọi là phép lạ cả thể ấy đến với chị
rất sớm ngay cả trước khi vào Dòng “Phép lạ mong ước ấy ĐCT đã làm trong
ngày không thể quên kia = ngày 25/12/1886. Trong đêm Sinh Nhật, một đêm đầy hồng
phúc Chúa Hài Đồng Giesu chỉ trong một giờ đã đổi hẳn đêm tăm tối u mù của linh
hồn con thành những vầng sáng rực rỡ chói lói. Tình yêu vô lượng đã khiến Chúa
sinh làm con trẻ ngây thơ yếu ớt để con là chính kẻ yếu đuối dại dột trở nên mạnh
dạn can đảm Người trao khí giới Người cho con dùng. Với những chiến khí,
con bước tới đâu thắng tới đấy, thắng luôn luôn. Có thể nói, con có bước đi của
tướng đại lộ, thành công như chớp” (Một Tâm Hồn Chương V). Đường Thơ Ấu”
là tiểu lộ nhưng Teresa sau khi được trao …khí giới lại tự xưng là tướng đại lộ.
Tại sao thế? Bởi vì khí giới ấy là Tình Yêu của Chúa.
III/- Trọn con
đường tình
Giới răn quan trọng bậc nhất của Đạo Chúa chính là
yêu mến “Hỡi Itsraen hãy nghe = Giehova ĐCT chúng ta là Giehova có một không
hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý hết sức kính mến Giehova ĐCT ngươi. Các lời Ta
truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở lại trong lòng ngươi, khá ân cần dạy dỗ điều đó
cho con cái ngươi và phải nói đến hoặc khi ngươi ngồi trong nhà hoặc khi đi
ngoài đường, hoặc lúc nằm hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một
dấu và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ, cũng phải viết các lời đó
trên cột, trên cửa nhà ngươi” (Đnl 6, 4 – 9). Qua đây ta thấy lệnh truyền
yêu thương có một mối quan hệ vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống con người. Nó
cần phải được lưu truyền nhắc nhở cho muôn thế hệ cháu con bất kể không gian thời
gian nào. Đức Kito khi được một luật sư hỏi giới răn nào quan trọng nhất thì
Ngài cũng trích sách luật để trả lời “Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý
chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn nhất còn điều thứ hai
cũng vậy. Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên
tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” Mt 22, 34 – 40). Để ý sẽ thấy Kinh
Thánh khi nói về Thiên Chúa luôn có kèm theo chữ “ngươi”. Thiên Chúa
ngươi hay Thiên Chúa của ngươi là một đặc ngữ của Kinh Thánh rõ ràng ám chỉ cho
Đấng Thiên Chúa nội tại đã được Đức Kitô gọi Ngài là Cha. Về Đấng Cha này thì
duy chỉ có Đức Kitô mới biết còn chúng ta thì không “Ngoài Cha không ai biết
Con, ngoài Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha”
Mt 11, 27). Teresa là một trong số những người được mạc khải và đã biết về Đấng
Cha “Một chị nhà Tập vào phòng người đang đi phải dừng bước lại vì nhìn thấy
dung nhan người sáng láng tươi tốt lạ lùng. Người đang mải miết khâu mà hình
như đã trầm mặc đắm đuối trong tư tưởng cao siêu nào đó. Chị nhà Tập hỏi:
o
Chị suy ngắm gì đấy?
o
Tôi đang ngắm Kinh Lạy Cha, người trả lời = Ôi ta gọi
ĐCT là Cha chúng ta êm ái dịu dàng dường nào. Nói đoạn đôi mắt người long lanh
rướm lệ” (Một Tâm Hồn Chương XI).
Tín hữu hàng ngày vẫn đọc Kinh Lạy Cha, có khi rất
nhiều lần. Thế nhưng đó thuần túy chỉ là những lời Kinh như bao Kinh khác thường
đọc. Chúng ta thực sự vẫn chưa cảm nhận được Thiên Chúa là Cha mình. Nhận biết
Thiên Chúa là Cha, đây phải là toàn bộ cứu cánh của việc sống đạo cần phải hết
lòng tìm mới gặp đồng thời việc tìm kiếm ấy mỗi người phải thực hiện lấy cho
mình không ai có thể làm thay cho ai được. Teresa đã có ước nguyện và chị đã
tìm ra con đường nên Thánh của mình “Không khi nào Chúa mở lòng tôi ao ước
những điều không thể thực hiện, cho nên dù là thân phận hèn mọn, tôi ước ao làm
Thánh lắm. Ước ao làm lớn dĩ nhiên không có thể rồi. Tôi nay có thế nào khuyết
điểm làm sao cũng xin đành chịu nhưng tôi muốn tìm cách về Thiên Đàng bằng lối
đi nhỏ, thẳng đẵng và vắn tắt, một lối đi hoàn toàn mới.” (Một Tâm Hồn Chương
IX). Đường Thơ Ấu tức việc nên như con trẻ của Chúa Giesu mặc dù đã được rao
truyền từ hai ngàn năm nay nhưng chỉ với Teresa mà nó mới được khám phá và
thành công thực hiện. Từ trước việc nên Thánh hầu như chỉ để dành riêng cho những
bậc phi phàm với những công trạng mà người bình thường khó có thể làm = Sống
khó nghèo như Thánh Phanxico Assisi , xả thân ra đi rao giảng Tin Mừng như
Phanxico Xavie hoặc sáng lập dòng như Ignatio như Anphongso Liuogori v.v… Tuy
nhiên dù hành động cách nào thì con đường nên Thánh cũng chỉ quy về mục đích là
để yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết ý chí mình. Yêu mến Thiên Chúa thì phải thể
hiện ra bằng việc làm, Teresa biết rằng mình quá ư nhỏ bé để có thể làm được những
việc cả thể như các Thánh, chỉ dám chọn những công việc nhỏ như là …tung hoa
..”Phải làm gì để minh chứng bằng việc làm. Vâng thì thế này, con bé sẽ tung
hoa, sẽ lấy những cánh hoa làm lễ bạc lòng thành dâng tiến Chúa, sẽ lấy hương
hoa làm thơm tho Tòa Chúa ngự, sẽ lấy tiếng hát trong như tiếng chuông để ngân
nga bài ca Tình Ái. Vâng lạy Chúa Chí Ái, trót cuộc đời tạm bợ này con chỉ biết
làm bấy nhiêu để tỏ tình yêu mến Chúa. Trước Nhan Thánh Chúa, đời con không còn
cách nào khác để tỏ Tình Ái ngoài cách kiếm hoa tiến Chúa nghĩa là con không
dám bỏ qua dịp nhỏ mọn mà chẳng tế lễ Chúa ý riêng con dù một liếc mắt, một hơi
thở, một lời nói. Con nhất quyết lợi dụng tất cả những việc rất nhỏ nhặt và làm
tất cả những việc nhỏ nhặt ấy vì Tình Ái. Đó là những cánh hoa con dâng tiến
Chúa đấy. Con chẳng bỏ qua hoa nào mà chẳng hái dâng Chúa…Con vừa hát, hát hoài
hát cả những khi phải chui vào hái hoa hường trong bụi gai góc. Gai càng nhọn
càng sắc giọng con hát càng trong càng ngân, tiếng con thanh tao dịu dàng…(Một
Tâm Hồn Chương XI).
Làm tất cả mọi việc dù nhỏ nhặt đến đâu cũng là làm
để tỏ lòng yêu mến Chúa. Việc này xem ra có vẻ không khó ai cũng có thể làm được.
Thế nhưng trong thực tế nếu xét trên cái động cơ của những việc làm ấy nó lại rất
khó, hết sức là khó. Tại sao? Bởi vì chúng ta không ai lại không vì mình tức
phát xuất ở nơi “Cái Tôi” mà tư tưởng, nói năng, hành động? Vì mình có
nghĩa là vì sự si mê điên đảo từ đó mà phát sinh lòng tham lòng giận ghét oán
thù. Ngược lại vì Tình Yêu mến Chúa mà làm thì đem đến ủi an, nhẫn nại hy sinh
tha thứ v.v…”Có lần trong giờ suy ngắm ở Nhà Nguyện con ngồi gần một chị, chị
ấy cứ động đạt luôn khi động tràng hạt, khi khác không biết động cái gì. Có lẽ
chỉ mình con nghe thấy vì tai con thính, con lấy làm khó chịu quá sức. Con chỉ
chực quay sang nhìn để chị im đi nhưng lòng lại nghĩ để vậy mà cầm mình chịu
khó thì hơn, trước là vì mến Chúa sau là để khỏi phiền chị”.
(Một Tâm Hồn Chương X). Những hy sinh của Teresa đều nhỏ nhặt âm thầm như thế
nhưng nó chứng tỏ một ý chí kiên cường và đây đúng là ý nghĩa của lệnh truyền =
hãy hết lòng, hết ý chí, hết trí khôn…Lòng yêu mến Chúa được thể hiện
qua việc nghiêm chỉnh tuân giữ các giới răn “Ai yêu mến Ta thì vâng giữ giới
răn Ta” Ga 14, 21). Những khi chị em Nhà Tập thấy người võ vàng xanh xao
quá, có xin mẹ bề trên chước chuẩn cho người giờ đọc kinh đêm hay khỏi phải dậy
sớm. Mẹ bề trên không cho, bảo rằng “ Linh hồn gang thép ấy không phải xử
như một con trẻ, chị ấy không phải chuẩn chước gì hết, cứ để mặc chị, đã có
Chúa giúp sức. Vả lại nếu chị có bệnh chị phải đến trình bệnh.” Nhưng
Teresa đã ra luật riêng cho mình rằng = Khi nào hết sức chịu đựng mới được kêu.
Biết bao lần chóng mặt lắm nhức đầu lắm mà người vẫn cứ đi nguyện giờ đêm. Người
thường nói = Hễ còn có thể đi thì tôi còn phải làm việc bổn phận (Một Tâm Hồn
Chương XII).
Tuân giữ các giới răn không phải vì giới răn mà vì
Tình Yêu mến Chúa, điều ấy có giá trị vô song trên phương diện tâm linh nhưng hẳn
nhiên là nó không thể tránh khỏi khổ đau vì trái chống với bản ngã thấp hèn “Chúng
ta chớ mong tìm được Tình Ái mà không đau khổ hay ngoài đau khổ. Bản tính nhân
loại là ở đau khổ và định luật ấy không phải là bất lợi. Biết bao nguồn lợi
quý giá chúng ta đã được là do bởi đau khổ. Đau khổ là chính sinh kế của chúng
ta vậy” (Thư gửi chị Celline ngày 12 tháng 3 năm 1889). Con đường Thơ Ấu tưởng
chừng như nhẹ nhàng thơ thới, có hoa nở, bướm bay nhưng thực chất của nó lại lấy
khổ đau làm sinh kế, có nghĩa trải qua cả cuộc đời nên Thánh cho đến chết cũng
vẫn còn mong được chết vì Tình Yêu “Mấy ngày trước khi ly trần, đầy tớ Chúa
đã nói rằng “Tôi mong ước được chết vì Tình Ái, chính là mong ước được chết như
Chúa Giesu đã chết trên Thánh Giá” (Một Tâm Hồn Chương XII).
Biểu tượng của Đạo Chúa là cây thập tự đồng nghĩa với
khổ nhục. Thế nhưng khổ nhục chỉ là phương thế, là cây cầu và cây cầu này là để
cho Kitô hữu chúng ta, những bạn hữu của Chúa Giesu vượt từ cõi chết đến cõi sống.
Trong bức thư cuối cùng gửi người anh linh mục kết nghĩa Teresa viết “Chúa
Giesu muốn được trọn trái tim anh vì thế anh cần phải chịu đau khổ rất nhiều…và
cũng vì thế khi tới giây phút hoan lạc bước vào Thiên Đàng linh hồn anh sẽ được
tràn ngập biết bao an ủi vui sướng. Bây giờ đây em không chết, em mới bắt đầu sống
và tất cả những gì em không thể nói cùng anh lúc này em sẽ liệu cách làm cho
anh hiểu một khi em đã lên nghỉ ngơi trên thanh nhàn cõi thọ”./.
(Phùng Văn Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét