Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tân PAH trong đời sống Cộng đoàn

CN NHÌN ĐÚNG V “TÂN PHÚC ÂM HÓA”
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Trong các thông điệp gần đây, “Tân Phúc Âm Hóa” được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất quan tâm, phải chăng đề tài này rất thời sự cho mọi thời đại và đặc biệt là thời đại chúng ta? Tuy nhiên, tôi vẫn cứ tự hỏi, chúng ta phải làm thế nào để có cái nhìn đúng về “tân Phúc Âm hóa” trong đời sống cộng đoàn? Và sau đây là một góc nhìn về lối tiếp cận của đề tài này.

Chuyện kể rằng trong lớp học Kinh Thánh, một giáo lý viên đang dạy và bàn thảo hăng say về các bản “dịch” Kinh Thánh của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay bản “dịch” của Cha Thuấn rất hấp dẫn. Lập tức, có một học sinh giơ tay lên xin được phát biểu, em nói “Thưa thầy, em thấy mẹ em là người luôn “dịch” Kinh Thánh. Có thể là hay hơn những bản “dịch” thầy vừa nói”. Giáo lý viên lấy làm bỡ ngỡ, nhưng cũng rất bình tĩnh rồi hỏi: “Mẹ của em dịch bản Kinh Thánh nào, mà lâu nay thầy không nghe”. Câu hỏi có vẻ hơi nghi ngờ, nhưng em vẫn điềm tĩnh giải thích: “Mẹ của em không dịch bằng sách, nhưng mẹ “dịch” bằng cách sống”. Rồi em thêm “mỗi lần đi lễ và lắng nghe Lời Chúa, mẹ của em áp dụng Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Vì vậy, em nghĩ rằng mẹ em “dịch” Kinh Thánh rất hay”. Giáo lý viên nghe đến đó và lấy làm vui mừng mà hô lên: “Thật là tuyệt vời, tuyệt vời đúng không các em!”.

Có lẽ câu chuyện trên đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về “tân Phúc Âm hóa” trong đời sống của cộng đoàn. Để “tân Phúc Âm hóa”, chúng ta cần áp dụng triệt để Lời Chúa vào đời sống của mình và làm sao cho Lời Chúa như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời sống. Có như vậy, cộng đoàn mới triển nở và lớn mạnh.


Tuy nhiên, thực tế đôi lúc lại khác, chúng ta thường phân tích và am hiểu Lời Chúa rất sâu, nhưng chúng ta thường phân tích để áp dụng cho người này người nọ mà quên đi chính mình. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta nghĩ rằng một số anh em trong cộng đoàn cần phải thay đổi chứ không bao giờ nghĩ mình phải đổi thay, vì mình thấy cái xấu của người khác hơn là bản thân. Đây là căn bệnh khá phổ biến trong đời sống cộng đoàn và cứ như thế nó làm cho ta biến dạng và méo mó trong nghề nghiệp của những “thầy dạy”. Người ta vẫn thường nói: “Áp dụng Lời Chúa cho người khác thì dễ hơn là cho chính mình”. Và thật sự là như thế, vì chúng ta không có thói quen áp dụng cho mình.

Nếu mỗi cá nhân thành thật với chính mình trong việc “tân Phúc Âm hóa” thì chắc chắn cuộc sống cộng đoàn sẽ tốt hơn rất nhiều. Do đó, việc nhìn lại bản thân là điều hết sức cần thiết. Vì khi nhìn lại, chúng ta sẽ tiến xa hơn và có cơ hội hoán cải. Nhờ vào thực thi Lời Chúa, chúng ta mới có thể hoán cải mỗi ngày. Ở đây, chúng ta cũng nên phân biệt giữa việc thực hành Lời Chúa và thực hành một việc đạo đức. Vì khi lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì cuộc đời của chúng ta được biến đổi, như thánh Phaolô là một ví dụ. Sau khi được ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chạm đến, cuộc đời của thánh Phaolô đã được hoán cải. Chính lúc này, thánh nhân đã ra khỏi chính mình; nghĩa là chết đi con người cũ để sống một cuộc sống mới. Khi sống đời sống mới, chúng ta mới thực sự là sống vì Tin Mừng, vì mối lợi mà Tin Mừng mang lại.

“Tân Phúc Âm hóa” phải được nên trọn nơi mỗi người, vì Lời Chúa đem lại hạnh phúc và hướng dẫn cho cuộc đời chúng ta. Nhưng chúng ta phải sống Lời Chúa như thế nào? Có phương thế nào hữu hiệu chăng? Thiết tưởng, để “tân Phúc Âm hóa” hằng ngày không đơn giản chút nào, vì “tân Phúc Âm hóa” thường đòi hỏi chúng ta sống dấn thân và dám hy sinh cuộc đời của mình. Muốn được như vậy, chúng ta cần có một biến cố “Metanoia” (hoán cải) trong cuộc đời. Hơn thế nữa, chúng ta cần phải sống thật với chính mình và trung thành trong đời sống. Người ta cho rằng, sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, người dân Mỹ đi đến nhà thờ nhiều hơn. Đó là biến cố khiến cho cả nước Mỹ phải suy nghĩ lại. Họ đã không còn tin vào sức của con người nữa.

“Tân Phúc Âm hóa” không phải là một thứ lý thuyết suông hay là những khẩu hiệu đạo đức, nhưng cần phải có ao ước ơn Cứu độ. Muốn có được điều ấy, chúng ta phải luôn sống trong chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Nếu không, đời chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa và trống rỗng, như bèo trôi giữa dòng nước không biết đường biết hướng về đâu. Ngược lại, nếu chúng ta biết vận dụng Lời Chúa thì đời sống của ta sẽ có ý nghĩa. Chúng ta cũng hãy cảnh giác, vì ngày nay người ta hay lấy Lời Chúa mà chỉ trích hoặc bắt bẻ nhau, từ đó làm cho đời sống cộng đoàn trở nên nặng nề và thiếu vắng tình liên đới.

“Tân Phúc Âm hóa” là luôn theo Đức Giêsu Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Có một điều mà ai cũng phải thừa nhận rằng, tất cả sẽ là lý thuyết nếu đời sống của mỗi cá nhân không biến đổi, không trở nên là hình ảnh của Đức Kitô. Chúng ta có thể làm được rất nhiều điều, nhưng nếu nó không đem lại nguồn ơn Cứu độ thì tất cả là hoài công, vô nghĩa.

Chuyện kể rằng có hai người đàn bà trên đường đi lễ, không biết lý do gì mà họ nhiếc mắng nhau thậm tệ lắm. Đang lúc cao trào thì bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, bà A hăm dọa bà B rằng: “Bà đi lễ đã, xong thì mày sẽ biết tay”. Phải chăng đây là cách giữ đạo của chúng ta!

Thật là tệ hại, nếu chúng ta chỉ biết giữ đạo mà thôi. Chúng ta có thể đi lễ, đọc kinh và tham dự các bí tích, nhưng tương quan của chúng ta không tốt thì cần phải xem lại lối sống đạo. Chúng ta cần phải ý thức rằng đời sống là hiện thân của Đức Giêsu, phải làm sáng Danh Chúa bằng đời sống của mình.

Tóm lại, “tân Phúc Âm hóa” phải là tâm điểm của đời sống. Có như vậy, chúng ta mới làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa và đời sống cộng đoàn ngày một thắm thiết tình người và tình Chúa. Đó cũng là cách truyền giáo tốt nhất để chúng ta đem tình thương của Thiên Chúa đến với mọi người và làm cho mọi người nhận ra rằng mình là anh em với nhau. Ước gì hồng ân của Chúa luôn tràn đầy để chúng ta sống tốt mỗi ngày.
J.B. Trần Hữu Đức, SVD
(Nội san TTHV Đaminh số 16)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét