CÁI TÂM VÀ CÁI TẦM CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
Công việc loan báo Tin Mừng – thi hành sứ vụ không riêng cho hàng giáo sĩ, tu sĩ hay những nhà chuyên môn nhưng là trách nhiệm của từng tín hữu. Mô phạm thi hành sứ vụ như thế nào là điểm lưu tâm cho chúng ta trong những bước đầu thi hành sứ vụ, và Giáo hội trong đường hướng mở rộng không ngừng kêu gọi các tín hữu ra đi làm chứng cho Lời. Tin Mừng – nguồn mạch của chân lý bởi Lời là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Do nguồn mạch ân sủng của Lời, con người được quy tụ trong yêu thương, ý thức trách nhiệm của mình, ta không thể để sứ vụ loan báo Tin Mừng trượt dài trên con đường “phong trào”, nhưng là hành trình trong một tầm nhìn của người được sai đi sẵn sàng hòa mình với thời cuộc, hoàn cảnh hiện tại cũng như mang trong mình một tâm hồn biết chia sẻ bằng trái tim nhân hậu được kín múc từ kinh nghiệm cuộc sống, đặc biệt là từ nguồn mạch chân lý của Lời.
1. Hành trang ban đầu
Không ít bạn trẻ trong những lần đầu thi hành sứ vụ đã rơi vào tình trạng lo toan, không biết mình sẽ làm như thế nào để thâu lượm được kết quả sau những ngày mình mệt mài nghiên cứu trên sách vở, cũng như thực tập trong lớp học, và còn rất nhiều ưu tư hay có những bạn hãi hùng vì không biết bắt đầu từ đâu. Với kinh nghiệm của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ngài đã đưa ra ba bí quyết cho hành trình thi hành sứ vụ như sau: Ra đi = Bỏ mình; Bổn phận = Vác thánh giá mỗi ngày; Bền chí = Theo Thầy. Thật vậy, hành trang ban đầu cho sứ vụ không hẳn là những kiến thức mà tôi đã trau dồi bao năm nay, nhưng là lời đáp trả bằng cách sẵn sàng bỏ mình, ý thức bổn phận và đón nhận bằng tin yêu trong chí hướng theo Đấng ban phát tình yêu. Cũng vậy, thánh Phaolô được thôi thúc để ra đi rao truyền chân lý mà bản thân ngài đã ngộ ra trong hành trình truy tìm những người theo Đức Kitô, sau cú ngã, ngài đã thay đổi bản thân không còn là Saulô ngày nào hăng say bắt các tín hữu. Bước sang một trang sử mới, bỏ lại con đường cũ, Phaolô đã lột tả chân lý đích thực là hành trình ra đi làm chứng cho Đức Kitô. Không phải là ai khác, nhưng chính Đức Kitô đã làm chuyện đó, Ngài đã sử dụng chính người đã bắt bớ Ngài để làm chứng cho Ngài. Để rồi Phaolô đã khẳng định hành trang ban đầu cho sứ vụ của ngài chính là tình yêu: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”, chỉ trong tình yêu ta mới hoàn bị được mình và cả những người ta gặp gỡ. Hành trang cho sứ vụ cũng thế, hãy mang trọn tình yêu của Đức Kitô, chuyền trao cho từng nhân vị mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi bằng chính cuộc sống của mình. Châm ngôn của triết học “Hành động đi đôi với bản tính”, nghĩa là tôi có sống, hành động đúng thì mới hiện thực được lời tôi rao truyền.
2. Một cách thế sống và quá trình gặp gỡ
Sứ vụ truyền giáo bắt nguồn từ chính sứ mạng của Ðức Kitô, vì chính Ngài là Ngôi Lời hằng hữu đã được Chúa Cha sai đến trần gian (x. Lc 4,18) để mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha và tất cả những ai tin Ngài sẽ được sống đời đời (x. Ga 3, 16). Tin Mừng cứu độ ấy được Ðức Kitô loan báo bằng con người, cuộc sống, bằng lời nói cũng như hành động của Ngài. Như cánh tay nối dài Ngài sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho chân lý đức tin: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15) và ban muôn ân sủng của Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng ấy.
Rao giảng Tin Mừng, nói cách ngắn gọn, là “truyền thông” Tin Mừng Tình yêu và Chân lý của Đức Kitô cho mọi người, nối kết con người với Thiên Chúa là cách thế của mọi chúng ta trong vai trò của một nhà truyền giáo, nhiệt tình nỗ lực của bản thân trong công cuộc chuyển trao Lời cần thiết nhưng chưa đủ, mà chúng ta thực hiện công việc đó trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô, vị sứ giả xuất sắc trong việc loan báo Tin Mừng cho biết: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?… Vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô” (Rm 10, 14-17). Nguồn mạch của Lời là kim chỉ nam cho nhân loại khám phá ra chân lý đức tin, cũng vậy, chân lý càng đậm sắc khi con người đón nhận Lời trong tin yêu và trao ban Lời cho người khác bằng chính cuộc sống của mình.
Mặt khác: Việc truyền giáo ngày nay không phải chỉ tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những người khác mình về tôn giáo và văn hoá, cũng không phải chỉ là việc dạy giáo lý hoặc thăng tiến con người và phát triển cộng đồng nhưng là tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người, mọi vật trong đời sống thường ngày để chia sẻ bản thân mình cho họ như chính Ðức Kitô đã làm. Nhà truyền giáo là “tấm bánh Ðức Kitô được bẻ ra để nuôi sống thế giới ” (x. Sứ điệp ÐTC Gioan Phaolô II nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005; Ga 6,35.51.58.68 ). Cũng vậy, Công đồng Vatican II cho biết: “Lý do của hoạt động truyền giáo gắn liền với ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý”. Noi gương Đức Kitô, như tấm bánh bẻ ra ban phát cho mọi người, và trong sứ mạng đến với mọi người, chúng ta cũng là tấm bánh được bẻ ra giữa cánh đồng truyền giáo. Khi đến với những người đang cần Chúa, chưa biết Chúa, bản thân chúng ta sẽ làm gì nếu đó là một vùng hẻo lánh, cằn cỗi về kiến thức cũng như vật chất, cái cao quý của đời tu là biết san sẻ Chúa cho mọi người cũng như giới thiệu Chúa bằng chính cuộc sống. Do vậy trong cái tầm và cả tấm lòng, chúng ta hãy hòa mình với thời cuộc để có thể giới thiệu Chúa cho mọi người.
3. Cái tâm và cái tầm cho một sứ vụ
Theo quan niệm của dân gian, sự thành bại của một người là do người đó sống có đúng hay không. Một gia đình giàu có mang tính khoe khoang, cao ngạo, phách lối, khinh người, hoang phí,… không bao lâu sau tán gia bại sản là do sống không đúng. Sống đúng ở đây không có nghĩa là bạn cố tích góp cho mình thật nhiều kiến thức, của cải hay chinh phục được nhiều người đứng về phe mình, hoặc trau dồi nhiều công đức để khẳng định mình. Tinh thần Tin Mừng cho chúng ta cái nhìn phổ quát hơn để có thể hiểu đúng, sống đúng và tuân giữ giới răn của Ngài trong đức ái. Ở vai trò là nhà truyền giáo: sống đúng là khi tôi biết hòa mình với thời cuộc. Cuộc sống gắn liền với con người nên tôi không thể áp dụng kiến thức cao siêu nói về Thiên Chúa cho những con người vì hoàn cảnh không được học hiểu nhiều về Chúa, và ngược lại những người tri thức tôi lại sử dụng phương thế khác, sở dĩ cần phải có tầm nhìn là như thế. Bên cạnh cái tầm, người truyền giáo luôn luôn phải có một tấm lòng cảm thông, chia sẻ cũng như biết thần hóa đời sống cho những người mình gặp gỡ. Như Đức Kitô, Ngài ân cần với các trẻ nhỏ, quan tâm và cảm thông với các bà góa, những người bệnh tật, những ai thấp cổ bé họng. Cái tâm và cái tầm không thể tách khỏi nhau trong khi thi hành sứ vụ, cái cần và đủ cho hành trang sứ vụ vẫn luôn là làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Qủa thật: Chúa Thánh Thần giữ vai trò cần thiết trong công cuộc truyền giáo, hơn nữa, người truyền giáo ý thức mình trở về với Ðức Kitô và hoà nhập thành một với Người qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ, để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng chúng ta (x. Mc 16,16-20). Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một thầy pháp nhưng với “tư cách là chứng nhân của Ðức Kitô” vì họ có thể làm được mọi sự với Ðấng ban sức mạnh cho họ (x. Pl 4,13). Như thế, việc rao giảng Lời Chúa, cử hành Bí tích và bác ái từ thiện đều gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên bản chất của Giáo Hội mà người tín hữu nào cũng cần thể hiện trong đời sống.
Sr. Maria Nguyễn Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét