HỌC HỎI NĂM THÁNH
MỪNG KIM KHÁNH GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
1965 / 2015
1. Năm Thánh là gì?
Năm Thánh là thời gian Giáo Hội
mở kho tàng thiêng liêng cho người tín hữu đón nhận ơn Chúa dồi dào hơn. Gọi là
“thánh” vì là thời gian đặc biệt dành cho Thiên Chúa.
2. Năm Thánh GPXL nhằm mục tiêu nào?
-
Tạo cơ hội để mọi người nhận ra
và cảm tạ muôn ơn lành Chúa đã ban suốt 50 năm qua.
-
Hai là để tín hữu tăng cường nỗ
lực thánh hóa bản thân và cùng nhau xây dựng Giáo phận ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Giáo Phận Xuân Lộc được thành lập thế nào?
Giáo phận Xuân Lộc được Chân Phước
Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 14/10/1965, được tách từ Giáo phận Sài Gòn,
gồm 3 tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy và Thị xã Vũng Tàu lúc bấy giờ (nay
là tỉnh Đồng Nai và một phần của tỉnh Bình Dương).
4. Hiện nay số tín hữu Giáo phận là bao nhiêu?
Theo thống kê đến tháng 9/2014,
Giáo phận Xuân Lộc gồm: 940.080 giáo dân (chiếm gần 30% dân số) sống trong 248
giáo xứ và 29 giáo họ biệt lập, 556 linh mục, 2.764 tu sĩ nam nữ, 744 chủng
sinh và tu sinh.
5. Kế hoạch Ngũ Niên mừng Kim Khánh Giáo Phận xuất phát từ đâu?
Đón nhận thao thức của Đại Hội
Dân Chúa Việt Nam năm 2010 và trong bối cảnh hướng đến năm Kim Khánh, Giáo phận
đã đề ra kế hoạch Ngũ Niên (2011-2015) nhằm “Canh tân đời sống đức tin để Gia
đình và Giáo xứ thành Gia đình của Thiên Chúa”.
6. Kế hoạch Ngũ Niên dựa vào mô hình sống động nào?
Kế hoạch Ngũ Niên dựa vào mô
hình sống đạo của Cộng đoàn tín hữu tiên khởi được mô tả trong sách Tông Đồ
Công Vụ: “Các tín hữu chuyên cần lắng nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp
thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv
2,42).
7. Vì sao chọn Thánh Thể làm chủ đề mục vụ cho năm cuối trong kế hoạch
Ngũ Niên?
-
Thánh Thể là nguồn mạch và chóp
đỉnh mọi hoạt động của Giáo Hội. Càng yêu mến Thánh Thể, đời sống nội tâm của
người tín hữu càng sâu xa và vững bền.
-
“Trong bối cảnh của Giáo phận,
Thánh Thể là điểm đến tràn đầy hoan lạc của chặng đường bốn năm chuẩn bị mừng
Kim Khánh, đồng thời là điểm xuất phát vững chắc chan chứa niềm vui và hy vọng
cho hành trình nhiều năm tiếp theo”. (Thư Luân lưu 3/2014).
8. Chúng ta cần làm gì trong Năm Thánh?
-
Thường xuyên cầu nguyện cho các
hoạt động trong Giáo phận được Chúa chúc lành và đạt thành quả tốt đẹp.
-
Học hỏi về Thánh Thể và tham gia
các sinh hoạt trong NT.
-
Lan tỏa tình bác ái yêu thương
là hiệu quả đặc biệt của Bí tích Thánh Thể. Cụ thể thăng tiến phẩm giá con người
và xây dựng xã hội bằng việc thực hiện nếp sống “Văn hóa về An toàn Giao thông
và Môi trường”.
9. Người tín hữu đáp lại tình yêu Thánh Thể khi nào?
Người tín hữu đáp lại tình yêu
Thánh Thể khi dâng lên Chúa những khó nhọc vất vả trong cuộc mưu sinh, những phấn
đấu cam go chống lại tội lỗi, bằng lòng đón nhận những hiểu lầm, nghi kỵ khi phục
vụ Giáo Hội và tha nhân. Ngoài ra, cũng biết tham dự Thánh lễ cách nghiêm trang
đứng đắn, y phục xứng hợp.
10. Người tín hữu sống mầu nhiệm hiệp thông Thánh Thể khi nào?
Khi họ sốt sắng tham dự Thánh lễ
và hiệp lễ là sức mạnh hiệp thông; khi biết đối xử với mọi người trong tư cách
chi thể của Nhiệm Thể, khi nhiệt thành loan truyền Tin Mừng cứu độ để muôn dân
được hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa.
11. Sự kiện Chúa Giêsu sống lại quan trọng thế nào?
Sự kiện Chúa Giêsu sống lại hết
sức quan trọng.
-
Chứng tỏ Chúa Giêsu là Thiên
Chúa thật, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, Đấng tự nguyện hy sinh mạng
sống vì yêu thương nhân loại.
-
Những ai cùng chết với Đức Kitô
trong cuộc sống đời này, sẽ được sống lại với Người mai sau.
-
Củng cố giá trị lời rao giảng của
Giáo Hội như Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời
rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”
(1 Cr 15,14).
12. Người tín hữu sống Mầu Nhiệm Hiến Tế cách nào?
Người tín hữu sống Mầu Nhiệm Hiến
Tế bằng cách chọn lựa và hành xử theo chuẩn mực Tin Mừng; từ bỏ nết xấu dù phải
đớn đau; đón nhận Thánh giá khi làm việc tông đồ. Như thế, người tín hữu dâng
hiến cuộc đời thành hy lễ, khi kết hợp mọi vui buồn sướng khổ với Hiến Tế của Đức
Kitô.
13. Thánh Thể có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh Loan báo Tin Mừng?
Thánh Thể có tầm quan trọng đặc
biệt như Công đồng Vaticanô II dạy: “Các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể,
thông ban và nuôi dưỡng đức ái đối với Thiên Chúa và con người, vốn là linh hồn
của toàn thể hoạt động tông đồ” (GH 33). “Cử hành Thánh Thể là nền tảng và trọng
tâm của cộng đoàn Kitô hữu đưa đến các việc bác ái và các hoạt động truyền
giáo” (LM 6).
14. Tính khẩn viết của sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay ra
sao?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’
vẫn luôn mang giá trị trường tồn và đang đặt ra một cách luôn cấp thiết. Tuy
nhiên, tình trạng hiện nay, trong thế giới và ngay cả trong Giáo Hội đang đòi hỏi
tuyệt đối mệnh lệnh của Chúa Giêsu phải được tuân theo một cách nhanh nhẹn và
quảng đại hơn” (KTHGD 33).
15. Sứ vụ Loan báo Tin Mừng của người giáo dân xuất phát từ đâu?
Sứ vụ loan báo Tin Mừng của người
giáo dân xuất phát từ Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Công đồng Vaticanô II dạy:
“Vì lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm
tông đồ. Nhiệm vụ cao cả của người giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên
Chúa ngày càng lan tới mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại” (GH 33).
16. Trong Năm Thánh Kim Khánh, Giáo Phận có những hoạt động nào?
Giáo phận có nhiều hoạt động quy
về 3 loại hình:
1)
Cử hành Phụng vụ như các Thánh lễ,
các nghi thức tôn vinh Thánh Thể và các cuộc hành hương.
2)
Các sinh hoạt nghiên cứu, như
tìm hiểu Năm Thánh, học hỏi chủ đề mục vụ, khảo sát thực trạng các gia đình
Công Giáo và cuộc sống các bạn trẻ trong Giáo phận.
3)
Hoạt động hỗ trợ như chương
trình “Tấm Bánh sẻ chia”, thực hiện nếp sống “Văn hóa An toàn Giao thông và Môi
trường”, và dự án Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi.
17. Các hoạt động nghiên cứu, học hỏi trong Năm Thánh có mục đích gì?
Do “vô tri bất mộ”, nên việc
nghiên cứu, học hỏi không những giúp người tín hữu hiểu biết và yêu mến những
việc mình làm, mà còn gợi lên tâm tình phù hợp với những hoạt động đó.
18. Các dự án hỗ trợ trong Năm Thánh có ý nghĩa gì?
Những dự án này là cụ thể hóa tấm
lòng biết ơn của Giáo phận dâng lên Thiên Chúa, bằng việc nỗ lực thực thi Thánh
Ý Người qua việc giúp đỡ anh chị em nghèo khổ, bảo vệ sự sống và thăng tiến phẩm
giá con người.
19. Việc hành hương trong Năm Thánh có gì nghĩa gì?
Hành hương là đến một nơi thánh để
thờ phượng Chúa, là dịp để nhận lãnh ơn toàn xá, đền bù những hình phạt do tội
gây ra. Điều quan trọng hơn là nhờ ơn Chúa ban, người tín hữu can đảm từ bỏ tội
lỗi, hòa giải với Chúa, với anh em, và hân hoan tiến bước trên đường nên thánh.
20. Đâu là điểm then chốt của các hoạt động trong Năm Thánh?
Trong Thư Chung ngày 15/09/2014,
Đức Giám Mục Giáo phận nhấn mạnh đến lòng yêu mến. Có yêu Chúa, yêu Giáo Hội
thì hoạt động mới có giá trị thánh hóa và cứu rỗi. Ngược lại, nếu thiếu lòng
yêu mến, các hoạt động ấy chẳng mang lại ích lợi gì[1].
TÂM TÌNH HƯỚNG LÊN ĐỨC MARIA
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria là
“Người Nữ Thánh Thể”[2] và là “Mẹ Giáo Hội”[3] dẫn dắt Giáo phận chúng ta đến với Thánh Thể. Ở đó, Chúa Giêsu
sẽ liên kết chúng ta cả trong tâm tình lẫn hoạt động, để gia đình, giáo xứ và
toàn Giáo phận trở thành “Gia đình của Thiên Chúa” trên trần gian này.
(trích Cẩm nang Năm Thánh Kim Khánh
GPXL 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét